Tuy nhiên, tổng giá trị thực - tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng (TCTD) cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020, bao gồm gói hỗ trợ tài khóa với giá trị ước tính 73,1 nghìn tỷ đồng (1,16% GDP) theo Nghị quyết 41/NQ-CP (4/2020) gồm các biện pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (dự kiến 69,3 nghìn tỷ đồng, thực tế giảm 31,3 nghìn tỷ đồng) và gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất (180 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng).
Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế, xã hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì
Thực chất ở đây là giãn, hoãn nộp và người dân, doanh nghiệp vẫn phải trả khi đến hạn, giá trị hỗ trợ chính là phần tiền không tính lãi khi gia hạn, ước tính 3.825 tỷ đồng - tương đương lãi gửi ngân hàng với thời hạn 5 tháng). Đến hết ngày 31/12/2020, mới có 54,2% (97.500 tỷ đồng) trong tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được giãn, hoãn.
Thực hiện chính sách còn chậm
Gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giá trị ước tính 36,6 nghìn tỷ đồng (0,6% GDP), bao gồm phần giảm lãi suất khi các TCTD cho vay mới (giảm 0,5-2,5%/năm so với thông thường) với quy mô cam kết ban đầu khoảng 600 nghìn tỷ đồng (thực tế cho vay mới đạt 3,16 triệu tỷ đồng cho gần 460 nghìn khách hàng).
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ (không tính lãi phạt) cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm lãi (giảm 0,5-1,5% cho các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng) cho gần 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng.
Miễn, giảm phí (phí thanh toán và một số phí dịch vụ khác...). Song song với đó, NHNN cũng đã 3 lần giảm các lãi suất điều hành, giúp các TCTD có điều kiện miễn, giảm lãi suất, cho vay mới lãi suất ưu đãi như nêu trên.
Về gói an sinh xã hội, quy mô công bố là 62 nghìn tỷ đồng, song thực chất có giá trị khoảng 49,7 nghìn tỷ đồng (0,7% GDP) (do chi phí của gói hỗ trợ cho vay trả lương 16 nghìn tỷ đồng về bản chất chỉ là phần lãi không tính do lãi suất là 0%; mới giải ngân được 42 tỷ đồng – tương đương hỗ trợ thực là gần 100 tỷ đồng đến hạn doanh nghiệp vẫn phải trả lại phần tiền gốc đã vay).
Tính đến hết năm 2020, gói an sinh xã hội đã giải ngân hơn 39.000 nghìn tỷ đồng cho gần 14,4 triệu người, trong đó tiền mặt là 13.000 tỷ đồng. Nhìn chung, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng, song tiến độ còn chậm, mới thực hiện được khoảng 63% tổng giá trị dự kiến ban đầu.
Các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 29 nghìn tỷ đồng (0,5% GDP) bao gồm giảm 10% giá điện của EVN và giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15 nghìn tỷ đồng. Đến hết năm 2020, EVN đã 2 lần giảm giá, giảm tiền điện tổng số tiền 10.900 tỷ đồng.
Với gói giảm giá dịch vụ viễn thông, chưa có thông tin công bố kết quả thực hiện cụ thể. Như vậy, có thể thấy việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa và an sinh xã hội còn chậm, mới đạt khoảng 46% giá trị gói tài khóa và 63% gói an sinh xã hội, đã phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do điều kiện đặt ra ban đầu chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa sát thực tiễn. Quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, làm ăn thua lỗ nên không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế.
Khâu truyền thông, công khai minh bạch thông tin và mẫu biểu trên mạng chưa tốt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa biết cụ thể các chính sách hỗ trợ và việc phối kết hợp triển khai tại một số đơn vị, địa phương còn chậm.
Về các gói hỗ trợ từ đầu năm 2021 đến nay như gói hỗ trợ tài khóa, ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc giãn hoãn thuế và tiền thuê đất năm 2021 (quy mô 115 nghìn tỷ đồng) với giá trị thực ước tính 1.917 tỷ đồng, tương đương 0,03% GDP năm 2020.
Đây thực chất là việc cho phép doanh nghiệp, người dân được hoãn trả thuế và tiền thuê đất (giá trị hỗ trợ thực ở đây chính là phần không tính lãi khi gia hạn), gồm gia hạn nộp thuế GTGT trong 5 tháng (quy mô 68.800 tỷ đồng) với giá trị thực hỗ trợ khoảng 1.147 tỷ đồng.
Gia hạn tiền thuế TNDN trong 3 tháng (quy mô 40.500 tỷ đồng) với giá trị thực hỗ trợ ước tính 354 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế thu nhập hộ kinh doanh, cá thể năm 2021 (quy mô 1.300 tỷ đồng), với giá trị thực ước tính 18 tỷ đồng và gia hạn tiền thuê đất trong 5 tháng (quy mô 4.400 tỷ đồng), với giá trị thực ước tính 39 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ tài khóa khác. Cụ thể, cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%, thời hạn 1 năm (quay vòng tối đa 2 lần) hỗ trợ Vietnam Airlines, đã ký kết hợp đồng tín dụng ngày 7/7/2021; tổng giá trị ngân sách hỗ trợ (thông qua NHNN) khoảng 480 tỷ đồng (giả định quay vòng tối đa).
Ngày 24/6/2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC về việc giảm 30 khoản phí, lệ phí, có hiệu lực từ ngày 1/7 đến 31/12/2021 để tiếp nối chính sách giảm phí, lệ phí quy định tại Thông tư 112/2020/TT-BTC sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2021. Ước tính quy mô hỗ trợ của gói hỗ trợ này là 1.000 tỷ đồng.
Ngày 4/7/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ kinh tế với quy mô 23.000 tỷ đồng trên theo nguyên tắc hỗ trợ người dân thông qua việc làm ngắn hạn, tạm thời với những công việc không đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao.
Theo đó, gói hỗ trợ sẽ được giải ngân về các xã để xây dựng danh mục dự án cộng đồng, phúc lợi chung như làm đường dân sinh, dọn vệ sinh đường phố, trồng rừng hoặc trồng cây xanh cảnh quan. Tiến độ triển khai chưa được cập nhật cụ thể.
Ngày 16/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất thông qua việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 , giá trị khoảng 21.300 tỷ đồng (ban hành trước 1/10/2021).
Ngày 22/9/2021, UBTVQH nhất trí thông qua việc chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm, tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách trung ương, tập trung chi cho phòng, chống dịch COVID-19. Tổng chi NSNN cho phòng chống dịch trong 6T/2021 khoảng 4.650 tỷ đồng. Gói giải pháp tiền tệ - tín dụng cũng đã được bổ sung, điều chỉnh.
Năm 2021, Ngân hành Nhà nước (NHNN) đã ban hành 2 Thông tư (Thông tư số 03 ngày 3/4/2021 và Thông tư số 14 ngày 7/9/2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, các Thông tư đã quy định mở rộng thời hạn cơ cấu lại thời hạn trả nợ; mở rộng thời hạn miễn, giảm lãi, phí, mở rộng thời hạn giữ nguyên nhóm nợ. Gần đây nhất, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 (2020) và Thông tư 03 (2021) ban hành ngày 7/9/2021 đã mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phát sinh từ 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và 7/9/2021, kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ thêm 6 tháng (từ 31/12/2021 đến 30/6/2022), và tiếp tục chính sách giảm lãi, phí đến ngày 30/6/2022.
Chính sách này theo chúng tôi là phù hợp vì một mặt tiếp tục hỗ trợ giảm nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, mặt khác giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho các TCTD, qua đó giảm bớt rủi ro cho ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD miễn giảm phí dịch vụ, giảm lãi suất cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo số liệu của NHNN, kết quả đến ngày 31/8/2021, lãi suất cho vay đến nay đã giảm khoảng 1,5-2% từ đầu năm 2020 đến nay.
Đồng thời, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628 nghìn khách hàng.
Lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/08/2021, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215 nghìn khách hàng với dư nợ 227 nghìn tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/01/2020 là khoảng 520 nghìn tỷ đồng.
Về giá trị hỗ trợ ước tính, trong 8 tháng đầu năm 2021 các ngân hàng đã hỗ trợ nền kinh tế khoảng 34 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào miễn, giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu và cho vay mới với lãi suất thấp hơn. Trong 4 tháng cuối năm, con số này là khoảng 20 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, dự kiến tổng số tiền ngành ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế năm 2021 là khoảng 54 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 25% lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021. Nếu tính thêm cả con số trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) bổ sung theo Thông tư 03 và Thông tư 14, số tiền của gói hỗ trợ còn lớn hơn (năm 2021, DPRR phải trích thêm theo Thông tư 03 là khoảng 42,6 nghìn tỷ đồng, còn theo Thông tư 14 là khoảng 69 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, kỳ vọng sang quý 2/2022, Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, nền kinh tế có sự hồi phục rõ nét hơn thì số tiền trích lập dự phòng rủi ro có thể ít hơn, cùng với tiến trình giảm nợ xấu và dư nợ cơ cấu lại.
Việc ban hành Thông tư 14 gần đây (7/9/2021) không tác động nhiều đến lợi nhuận dự kiến của ngành ngân hàng năm 2021, nhưng tạo thêm áp lực trích lập bổ sung DPRR trong giai đoạn 2021-2023. Sang nửa đầu năm 2022, tác động của Thông tư 14 lên lợi nhuận của các TCTD sẽ rõ nét hơn, dự kiến các TCTD sẽ giảm thêm khoảng 30 nghìn tỷ đồng lợi nhuận để thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm, lãi, phí.
Đối với gói an sinh xã hội, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQCP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (quy mô 26 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,41% GDP).
Theo đó, đối với người lao động các chính sách hỗ trợ bao gồm hỗ trợ một lần người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với mức 1,855 triệu đồng/người (nghỉ việc từ 15 ngày đến dưới 1 tháng) và mức 3,71 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 1 tháng trở lên.
Hỗ trợ một lần người lao động ngừng việc do COVID-19 với mức 1 triệu đồng/người. Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 8 mức 3,71 triệu đồng/người/lần. Người lao động mai thai hoặc đang nuôi con dưới 6 tuổi được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
Đối với người là F0, F1, lao động tự do, hướng dẫn viên du lịch, đạo diễn diễn viên, họa sĩ, hộ kinh doanh: người là F0 được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày từ 27/4 đến 31/12/2021, hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.
Người là F1 được nhận hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày không quá 21 ngày, lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày. Hướng dẫn viên du lịch, đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ được hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người. Hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ.
Đối với người sử dụng lao động, cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất với lãi suất 0%, không cần tài sản đảm bảo với thời hạn dưới 12 tháng; miễn đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022), tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất trong 6 tháng. Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,5 triệu/lao động trong 6 tháng.
Tuy nhiên, qua đánh giá kết quả thực hiện cho thấy còn khá chậm. Tính đến hết tháng 8/2021, theo thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH, tổng số lao động đã được hỗ trợ là trên 15 triệu lượt người với tổng số tiền là 8.400 tỷ đồng (32% tổng gói hỗ trợ); 1,2 triệu lao động tự do đã nhận 2.180 tỷ đồng (do các địa phương tự xác định đối tượng và chi).
Đối với các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 13.150 tỷ đồng, bao gồm giảm 10-15% giá điện và miễn tiền điện cho khách hàng (trong tháng 8 và 9/2021) và các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch của EVN (trong 6 tháng) (Nghị quyết 83/NQCP) và Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 giảm tiền điện 3 tháng (tháng 9-11/2021) cho 1 số doanh nghiệp chế biến nông sản, tổng giá trị 2 đợt giảm này khoảng 3.150 tỷ đông; gói hỗ trợ cước viễn thông trong vòng 3 tháng với giá trị gần 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo giảm tiền nước song chưa có quyết định chính thức cũng như chưa công bố quy mô chính sách hỗ trợ này.
Bảy khuyến nghị
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, trong khi việc mua, tự sản xuất và tiêm vaccine cần thời gian. Theo đánh giá của Citibank (tháng 8/2021), khả năng đạt tiêm vaccine COVID-19 cho 70% người lớn tại các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) có thể phải đến hết quý 2/2022 mới có thể đạt được.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các gói hỗ trợ tại các nước trên thế giới, thực trạng triển khai các gói hỗ trợ tại Việt Nam trong thời gian qua, chúng tôi có một số khuyến nghị như sau.
Một là, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ví dụ, cần tính toán để gia hạn Nghị định 52/2021, đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 68 và sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc, cần thiết phải có thời hạn thực hiện cụ thể (thí dụ, tối đa 3 tháng) để đẩy nhanh hỗ trợ quý giá này.
Các chính sách này cùng với các gói giảm phí, lệ phí khác nên được tính toán để gia hạn, ít nhất là đến khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng người lớn 70% (hết quý 2/2021). Đồng thời, nên xem xét điều chỉnh ngân sách hỗ trợ từ cấu phần này sang cấu phần khác thiết thực hơn.
Hai là, Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.
Cụ thể, mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỷ đồng (khoảng 29,3 triệu người, chiếm 53,7% lực lượng lao động là lao động tự do), ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68.
Theo đó, cần tăng cường ứng dụng CNTT trong khâu đăng ký, thẩm định và chuyển tiền cho dân như: (i) cho phép đăng ký qua mạng. Tận dụng hệ thống thông tin, dữ liệu hiện có và tham khảo/đối chiếu qua hệ thống dữ liệu của các tổ chức khác (như BHXH, nhà mạng, doanh nghiệp điện, nước...) và tổ chức đoàn thể địa phương (nếu cần) để xác định đối tượng nhanh, trúng và đầy đủ hơn.
Kết hợp nhiều kênh chuyển tiền cho dân (qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ tiền di động - mobile money... ngoài kênh phát tiền trực tiếp như đang làm). Ngoài ra, việc thu thập thông tin đối tượng cần hỗ trợ nên được tổng hợp, đối chiếu từ nhiều nguồn nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận nhanh chóng và chính xác quyền lợi của mình.
Việc tổng hợp danh sách đối tượng cần hỗ trợ nên được kết hợp từ cả việc đăng ký tại địa phương, người dân tự đăng ký, đối chiếu thông tin từ danh sách người tham gia BHXH, danh sách cử tri và nguồn khác (như nhà mạng, công ty điện, nước...).
Điều này sẽ hạn chế việc thu thập thiếu hoặc chậm trễ như hiện nay. Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn, cập nhật thường xuyên phục vụ công tác an sinh xã hội, cứu trợ; có sự liên thông, chia sẻ được với cơ sở dữ liệu định danh quốc gia.
Với gói hỗ trợ tiền điện, nên mở rộng đối tượng và giảm mạnh hơn cho người dân và doanh nghiệp, tương đương năm năm 2020 (khoảng 10.900 tỷ đồng). EVN có thể xem xét mở rộng đối tượng được giảm, với ngân sách giảm bổ sung khoảng 7.750 tỷ đồng.
Với gói hỗ trợ viễn thông, nên thiết thực hơn để nhiều người có thể tiếp cận và được hưởng, chẳng hạn nên giảm giá cước 20-30% trong 3 tháng, thay vì cách hỗ trợ bằng nâng cấp hạ tầng, khuyến mại cho một số đối tượng như hiện nay.
Ba là, ngoài gói hỗ trợ 21,3 nghìn tỷ đồng UBTVQH đã thông qua, cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp. Theo đó, nên xem xét hỗ trợ cả các hãng hàng không tư nhân (theo hướng cho phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận, có ưu đãi đối với hãng hàng không đang bị thua lỗ nhưng triển vọng phục hồi trung – dài hạn là tích cực). Tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thanh khoản đối với DNNVV có trọng tâm, trọng điểm, có thời hạn cụ thể.
Bốn là, NHNN tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD, để các TCTD có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Năm là, sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển KTXH trong bối cảnh “bình thường mới”, cần có các động lực tăng trưởng mới và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro (giá cả tăng, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động…) nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Sáu là, Quốc Hội, Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số. Theo ba kịch bản chuyển đổi số quốc gia của chúng tôi; chuyển đổi số thành công có thể giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm từ 0,53-1,85 điểm % từ nay đến năm 2030.
Bảy là, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Chính phủ cần sớm ban hành Đề án cơ cấu lại nền kinh tế cũng như các đề án cơ cấu lại cấu phần quan trọng (DNNN, TCTD, đầu tư công và đơn vị sự nghiệp công…) nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.