Năm tuổi được biết là năm sinh gắn liền với con giáp theo vòng tuần hoàn chu kỳ 12 năm. Theo quan niệm xưa của dân gian Việt Nam, năm tuổi còn được hiểu là năm hạn, không đem đến may mắn cho những người có tuổi vào năm đó và phải hứng chịu nhiều biến động khác nhau trong cuộc sống.
Vậy "năm tuổi" của 3 sếp ngân hàng lớn trong năm Canh Tý vừa qua đã diễn ra như thế nào? - một năm mà nhiều ngành nghề trong nền kinh tế, trong đó có ngân hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank (Sinh năm 1960 - Canh Tý)
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 (Canh Tý) tại Bắc Ninh, là một trong những lãnh đạo nổi bật nhất của ngành ngân hàng. Hiện ông là Chủ tịch HĐQT Sacombank - ngân hàng niêm yết lớn thứ 4 trong hệ thống về quy mô tổng tài sản.
Ông Minh vốn là doanh nhân giàu lên từ bất động sản vào những năm 1990 và tên tuổi gắn liền với Him Lam. Vị doanh nhân này bắt đầu gắn bó với ngành tài chính ngân hàng từ năm 2008, khi Him Lam tham gia thành lập ngân hàng Liên Việt và ông Minh cũng từng giữ ghế chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.
Đến năm 2017, Him Lam và cả ông Minh đã thoái toàn bộ vốn khỏi Liên Việt để bắt tay vào công cuộc tái cơ cấu ngân hàng Sacombank. Là chủ của một công ty địa ốc lớn, lại tham gia vào Sacombank vào đúng lúc ngân hàng ở tình trạng rối ren nhất, không ít người cho rằng ông Minh muốn nhắm đến khối tài sản bất động sản "khủng" của Sacombank. Tuy nhiên, ông Minh nhiều lần khẳng định, bản thân ông cũng như Him Lam đã và sẽ không mua bất cứ một tài sản nào của Sacombank và không sử dụng vốn của Sacombank.
Trong 4 năm ông Dương Công Minh lãnh đạo Sacombank, nhà băng này đã có những bước chuyển mình ấn tượng. Năm 2020, mặc dù trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19, Sacombank vẫn gặt hái được nhiều thành công.
Dư nợ tín dụng của Sacombank năm 2020 đạt hơn 340 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2019 - cao hơn mức trung bình toàn ngành (12,13%). Công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh với doanh số đạt hơn 15.000 tỷ đồng, nhờ đó tài sản tồn đọng tiếp tục giảm thêm 16,7% so với năm trước và tỷ lệ nợ xấu được kéo giảm về còn 1,6%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 của Sacombank đạt 3.339 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm Canh Tý, giá cổ phiếu STB của Sacombank đứng ở mức 18.150 đồng/cp, tăng 70% trong năm qua. Ước tính theo thị giá hiện nay, số cổ phiếu STB mà ông Minh sở hữu có giá trị hơn 1.100 tỷ đồng.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ hồi giữa năm 2020, ông Dương Công Minh khẳng định quyết tâm gắn bó lâu dài với Sacombank và tin rằng năm 2023 sẽ đưa Sacombank trở lại Top những ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
Ông Lưu Đức Khánh - Phó Chủ tịch HDBank (Sinh năm 1960 - Canh tý)
Hiện là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank, mã HDB), ông Khánh tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế TP.HCM, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế và tài chính ngân hàng.
Trước khi về HDBank, ông Khánh từng đảm nhiệm nhiều vị trí như giám đốc chiến lược tại HSBC Việt Nam giai đoạn 1995 - 2006, Phó tổng giám đốc tại Techcombank từ 3 - 11/2006 và Tổng giám đốc tại Ngân hàng An Bình giai đoạn 2006 - 2008.
Ngoài HDBank, ông Khánh hiện giữ vị trí thành viên HĐQT của Vietjet Air. Ông cũng từng là Giám đốc điều hành của hãng hàng không này và vừa thôi nhiệm từ 1/10/2020.
Năm 2020, HDBank ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng và giá cổ phiếu cũng tăng trưởng khá tốt. Theo BCTC, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng tới 23% trong năm qua, cao gấp gần 2 lần mức bình quân toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ được kiểm soát ở mức chỉ 0,93%, thuộc nhóm thấp nhất ngành. Lợi nhuận trước thuế của HDBank năm qua đạt 5.818 tỷ, tăng 16% và hoàn thành 102,8% kế hoạch năm. Năm Canh Tý, giá cổ phiếu HDB đã tăng hơn 40% và đóng cửa phiên giao dịch cuối năm ở mức 24.100 đồng/cp.
Còn tại Vietjet Air, hãng hàng không này ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2020 đạt 70 tỷ đồng, là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lãi trong năm 2020. Cổ phiếu VJC giảm mạnh hồi đầu năm nhưng đã bật tăng mạnh mẽ trở lại trong 6 tháng cuối năm.
Phó Chủ tịch VPBank - Lô Bằng Giang (1972 - Nhâm Tý)
Ông Lô Bằng Giang sinh 1972, tốt nghiệp cử nhân tài chính ngân hàng tại Đại học Kinh tế, thống kê và thông tin Matxcova (MESI).
Trước khi về nước gây dựng sự nghiệp, ông Giang là du học sinh và khởi nghiệp tại Đông Âu.Ông Giang từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại một số doanh nghiệp Ukraine như Tổng giám đốc Công ty Finman giai đoạn 1995 - 2000, Trưởng đại diện Công ty Investlink những năm 2000 - 2005, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty KBG Foods. Ngoài ra, ông cũng từng là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương.
Hiện ông Lô Bằng Giang là một trong 2 Phó Chủ tịch HĐQT của VPBank.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt hơn 13.000 tỷ đồng, là ngân hàng lãi cao thứ 4 trong hệ thống ngân hàng Việt. Tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng hợp nhất đến cuối năm 2020 đạt hơn 320 nghìn tỷ đồng, tăng 19%; trong đó ngân hàng riêng lẻ tăng 21,8%.
Công tác quản trị rủi ro của VPBank tiếp tục khẳng định tính hiệu quả. Nợ xấu được kiểm soát tốt với mức hợp nhất đạt 2,9%; trong đó tại ngân hàng riêng lẻ lần đầu tiên nợ xấu xuống dưới 2%.
Giá cổ phiếu VPB tăng tới hơn 70% trong năm Canh Tý, đóng cửa phiên giao dịch cuối năm ở mức 38.500 đồng/cp. Theo đó, giá trị số cổ phiếu VPB mà ông Lô Bằng Giang và gia đình sở hữu tăng vọt trong năm vừa qua.
Hiện ông Giang sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu VPB. Bà Lý Thị Thu Hà - mẹ ông Giang sở hữu hơn 104,4 triệu cổ phiếu, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - vợ ông Giang sở hữu hơn 75,3 triệu cổ phiếu, bà lô Hải Yến Ngọc - chị gái ông Giang sở hữu hơn 1,6 triệu cp. Ước tính theo thị giá hiện nay, số cổ phiếu VPB của gia đình ông Giang có giá trị hơn 7.000 tỷ đồng.