Sau một thời gian ổn định, từ cuối năm 2018, lãi suất huy động trên thị trường đã có xu hướng tăng lên rõ rệt và gây nhiều lo lắng trong năm 2019. Lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng có lúc lên đến trên 10%/năm, trong khi đó, mức lãi suất 8-9%/năm cũng trở nên phổ biến hơn. Cuộc chạy đua lãi suất tại các ngân hàng nhỏ cũng khiến các ngân hàng lớn muốn giảm hoặc giữ nguyên cũng không được vì sợ mất khách. Điều này là một trong những lý do khiến mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trở nên thêm khó khăn.
Trong bối cảnh đó, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều quyết định quan trọng để thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, tác động lên mặt bằng lãi suất.
Hạ lãi suất điều hành sau 2 năm giữ nguyên
Tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước đã nới nhẹ chính sách tiền tệ bằng cách cắt giảm lãi suất tái chiết khẩu và lãi suất tái cấp vốn ở mức 25 điểm cơ bản, xuống lần lượt còn 4% và 6%. Đây cũng là đợt điều chỉnh đầu tiên trong hơn 2 năm, kể từ tháng 7/2017. Quyết định có hiệu lực từ ngày 16/9/2019.
Theo NHNN, quyết định này nhằm phù hợp với bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành.
Lãi suất điều hành được cắt giảm dự kiến sẽ nới lỏng thanh khoản ở các ngân hàng, qua đó tạo điều kiện hạ lãi suất cho doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, mức giảm lãi suất không nhiều và tác động không thực sự lớn đến thị trường hoặc sẽ cần một thời gian dài để thẩm thấu.
Hạ trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay
Không lâu sau, đến tháng 11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có thay đổi đối với trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ phát đi thông báo điều chỉnh lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6% xuống 5,5%/năm.
Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.
Quyết định này đã có tác động rõ rệt lên thị trường khi ngay sau đấy, từ ngày 19/11, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đồng loạt giảm. Không những vậy, lãi suất huy động các kỳ hạn dài hơn cũng giảm theo, mức giảm có lúc lên tới trên 0,5 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, mức lãi suất cao ngất ngưởng 9%, 10%/năm cũng không còn xuất hiện.
Trong 3 ngày ngay sau quyết định trên của NHNN, 7 ngân hàng đã nhập cuộc giảm lãi suất cho vay và ưu đãi tín dụng. Trong đó, 4 "ông lớn" ngân hàng là Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank đều tuyên bố giảm lãi suất cho vay dù sẽ ảnh hưởng phần nào tới lợi nhuận.
Giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc
Chính sách cuối cùng liên quan đến lãi suất trong năm 2019 của NHNN là việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các TCTD, có hiệu lực từ 1/12/2019. Cụ thể, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VNĐ là 0,8%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VNĐ là 0%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0.05%/năm.
Mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc áp dụng tại Quyết định mới này đã giảm so với lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VNĐ của TCTD tại NHNN 1,2%/năm trước đó.
Đồng thời, NHNN quy định lãi suất đối với tiền gửi bằng VNĐ tại NHNN của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 0,8%/năm. Ngoài ra, NHNN cũng quy định lãi suất đối với tiền gửi bằng VNĐ tại NHNN của Kho bạc Nhà nước là 1%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0,05%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng VNĐ của Bảo hiểm tiển gửi Việt Nam là 0,8%/năm.
Theo các chuyên gia, tác động của việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là không rõ ràng, có thể chỉ nhằm tiết kiệm một khoản chi phí cho ngân sách. Chỉ khi NHNN giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc thì mới khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm gửi tiền tại NHNN và dùng số tiền đó để cho vay ra nền kinh tế.
"Tuýt còi" cuộc đua lãi suất
Bên cạnh những quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên, trong năm 2019, NHNN cũng có nhiều văn bản nhắc nhở các TCTD chấn chỉnh việc áp dụng lãi suất huy động phải đúng quy định.
Chẳng hạn hồi đầu tháng 9, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản "chỉnh đốn" các ngân hàng đua lãi suất. Theo cơ quan quản lý, động thái tăng lãi suất làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.
NHNN với thái độ cứng rắn cho biết sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.
Nhìn một cách tổng thể, đến cuối năm 2019, lãi suất trên thị trường đã có phần hạ nhiệt. Tại nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank,…lãi suất cho vay đã có tới 2 đợt giảm trong năm, trong đó mức lãi suất tại một số lĩnh vực ưu tiên đã giảm tổng cộng 1%/năm. Trong khi đó, những ngân hàng tư nhân lớn như MBBank, ACB,…cũng có các chương trình vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất huy động vào những tháng cao điểm kinh doanh cuối năm không còn cao đột biến.
Tuy nhiên, áp lực lãi suất trong năm 2020 theo nhiều chuyên gia là vẫn còn lớn. Bởi sự phân hoá giữa các ngân hàng ngày càng cách biệt khiến các ngân hàng nhỏ phải nâng lãi suất để thu hút nguồn vốn, khiến cuộc đua lãi suất khó có hồi kết. Trong khi đó, gửi tiết kiệm còn phải cạnh tranh nhiều kênh đầu tư khác nổi lên với mức sinh lời cao hơn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hạn chế tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất là một trong những mục tiêu hàng đầu đối với các chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lĩnh vực ưu tiên.