Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cũng song hành cùng với trào lưu đầu tư ngoài ngành vào ngân hàng đã để lại nhiều vấn đề, về yếu tố sở hữu chéo, vay mượn "sân sau" và nợ xấu...
Giai đoạn 2011-2012, dưới ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính , những hệ lụy này dần lộ diện, nhiều nhà băng rơi vào tình cảnh khó khăn.
Một loạt các ngân hàng buộc phải tái cơ cấu như TPBank , SCB, FicomBank, NCB… và mỗi nhà băng lại có một biện pháp khác nhau như hợp nhất, sáp nhập hoặc tự tái cơ cấu.
Gần đây, NCB trở thành tâm điểm chú ý khi ngân hàng này có sự xáo trộn về lãnh đạo cấp cao, CEO Sun Group vừa từ nhiệm để nhậm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị NCB trong phiên họp cổ đông bất thường chiều 29/7.
Động thái này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của thị trường. Giới quan tâm dự đoán, sự thay đổi về nhân sự, nhiều khả năng liên quan đến cấu trúc cổ đông của nhà băng này, được thị trường kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển lớn hơn cho NCB trong một thập kỷ nỗ lực nhưng chuyển biến chưa nhiều.
Nhìn lại 2012, hệ thống tổ chức tín dụng có 9 ngân hàng yếu kém, nhiều cái tên trong quá khứ từng là “nỗi ám ảnh” với không chỉ cơ quan quản lý, mà cả thị trường. Nhưng đến nay, một số nhà băng đã vươn mình mạnh mẽ và cho những trái ngọt, điển hình nhất là TPBank.
KHỞI ĐIỂM KHÓ KHĂN
Trong số những ngân hàng tái cấu trúc, NCB và TPBank là hai trong nhóm nhiều ngân hàng có chung xuất phát điểm là tình trạng khó khăn, phải tái cơ cấu.
Trước năm 2012, TienPhong Bank (tên gọi trước của TPBank) là một nhà băng hoạt động tương đối mờ nhạt, không tạo dấu ấn trên thị trường tài chính.
Ngân hàng khi đó tập trung về xu hướng đầu tư rủi ro cao và hoạt động trên thị trường 2 nhiều hơn thị trường 1. Toàn bộ hệ thống của TienPhong Bank ngày ấy vỏn vẹn 34 điểm giao dịch, quy mô nhân sự chỉ 700 cán bộ nhân viên, được xếp vào nhóm dưới của hệ thống và gần như không đủ sức cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác.
Cuối năm 2011, quy mô tổng tài sản của nhà băng này chỉ hơn 24.000 tỷ đồng, với dư nợ cho vay khách hàng chưa tới 4.000 tỷ, huy động vốn từ dân cư chỉ hơn 6.200 tỷ đồng.
Con số này không khác nhiều so với NCB, thậm chí là lép vế hơn. Mặc dù cùng thuộc nhóm dưới và trong diện phải tái cơ cấu, nhà băng có tên cũ là Ngân hàng Nam Việt khi đó có tổng tài sản cùng nhóm với TPBank nhưng khả năng mở rộng tín dụng và huy động tốt hơn. Dư nợ cho vay tới cuối năm 2011 của NCB đạt gần 13.000 tỷ đồng, với huy động vốn hơn 14.800 tỷ, gấp nhiều lần TPBank.
Năm 2012, quy mô TPBank thậm chí còn sụt giảm mạnh khi ngân hàng ghi nhận khoản lỗ lũy kế nghìn tỷ đồng. Nợ xấu tại thời điểm đó là 6%, có nguy cơ mất vốn điều lệ dưới quy định... và buộc phải tái cơ cấu.
Sự "đồng điệu" của TPBank và NCB không chỉ ở quy mô hoạt động, yêu cầu phải tái cơ cấu, mà còn ở sự tham gia của những nhân tố mới. Năm 2012, TPBank đón nhà đầu tư chiến lược mới, là DOJI Group. Còn NCB cũng ghi nhận sự hiện diện rõ ràng hơn của Gami Group, một tập đoàn đa ngành có tiếng khi đó.
CÁCH TPBANK VƯƠN LÊN
Năm 2012, ngay khi bắt tay vào tự tái cơ cấu, HĐQT mới đã đổi tên TienPhongBank thành TPBank và lập tức xây dựng, hoạch định các chiến lược. Các cổ đông mới của TPBank, cụ thể là DOJI Group dưới sự dẫn dắt của anh em ông Đỗ Minh Phú và ông Đỗ Anh Tú, đã tạo ra những thay đổi lớn trong hoạt động nhà băng này.
Nhận vốn góp "tiền tươi thóc thật", TPBank có đủ năng lực tài chính cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn tái cơ cấu. Dòng tiền thực này đã giúp TPBank "lột xác". Đặc biệt khi nhóm cổ đông này thể hiện sự nhất trí, không có lợi ích nhóm và không có đầu tư sân sau.
Yếu tố quan trọng nhất tạo ra sự khác biệt chính là nằm ở chiến lược, định hướng phát triển của TPBank theo hướng ngân hàng số. Điều này cho phép TPBank nhanh chóng tiếp cận với khách hàng, mở rộng thị phần và vươn lên thành ngân hàng số số 1 hiện nay.
Vào giai đoạn 2014-2015, khoảng cách giữa TPBank và NCB được hình thành, quy mô tổng tài sản của TPBank lần đầu vượt mốc 50.000 tỷ đồng, vượt khá xa so với NCB lúc đó là 37.000 tỷ đồng.
Khoảng cách này ngày càng doãng rộng, khi tổng tài sản của TPBank vượt mốc 100.000 tỷ đồng vào năm 2016 và vượt 200.000 tỷ vào năm 2020.
Năm 2020, gần một thập kỷ tái cơ cấu, TPBank vươn lên đứng top 10 các NHTM hàng đầu VN, với quy mô lợi nhuận trước thuế hơn 4.000 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận chưa phân phối của TPBank đến cuối năm 2020 lên tới hơn 6.000 tỷ, tăng lên gần 8.000 tỷ đồng vào cuối quý II.
Nếu nhìn về thập kỷ tái cơ cấu, rõ ràng những con số của TPBank là thực sự ấn tượng. Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của TPBank vượt ngưỡng 200.000 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với năm 2012. Dư nợ tín dụng đạt gần 120.000 tỷ đồng, gấp 20 lần. Vốn điều lệ hơn 10.700 tỷ đồng, gấp ba lần. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu giảm về còn hơn 1%, thuộc nhóm ngân hàng nợ xấu thấp nhất hệ thống.
Nếu so với TPBank, thì những con số của NCB còn khá khiêm tốn, tổng tài sản đến cuối năm 2020 đạt gần 90.000 tỷ đồng, với dư nợ tín dụng hơn 40.000 tỷ đồng và lãi 4 tỷ đồng. Sau gần 10 năm tái cơ cấu, vốn chủ sở hữu của nhà băng này mới chỉ 4.364 tỷ đồng.
Nhưng TPBank lại là một câu chuyện khác. Dù lỗ nghìn tỷ trước khi DOJI tham gia, nhưng nhờ tập trung kinh doanh, ngân hàng đã xóa hết lỗ và bước vào giai đoạn tăng trưởng cao. Vốn chủ sở hữu hiện đã lên đến gần 20.000 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản và dư nợ cho vay cũng hơn gấp đôi. Nhà băng này hiện nay còn nằm trong nhóm đầu về ngân hàng số, là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường.
Những thành công của TPBank thể hiện nhà băng này có tầm nhìn chiến lược rất rõ ràng, các cổ đông lớn của ngân hàng toàn tâm toàn ý vào sự phát triển của ngân hàng, không biến ngân hàng thành “sân sau” thì hoàn toàn có thể đưa ngân hàng tái cơ cấu thành công và phát triển.
Những thay đổi lớn của NCB vừa qua rất được giới tài chính kỳ vọng sẽ mang lại một làn gió mới cho ngân hàng, một chiến lược mới để phát triển mạnh mẽ trong tương lai.