Cụ thể, khi trao đổi với ông IL Houng Lee, phóng viên trích dẫn dự báo của một số nhà nghiên cứu: Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2005 đạt trên 600 USD (theo IMF chỉ là 552 USD). Một số nhà nghiên cứu Việt Nam đặt giả thiết, nếu các nước giàu có hơn ở ASEAN ngừng phát triển, Việt Nam sẽ mất khoảng 5 năm để đuổi kịp Indonesia và Philippines, 20 năm với Thái Lan, 24 năm với Malaysia, 38 năm với Brunei và 40 năm với Singapore.
Ông IL Houng Lee cho rằng, những phân tích đó là rất đáng quan tâm và có thể phản ánh một cách gần chính xác độ chênh lệch thực sự trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên chúng cũng có thể không phản ánh mức độ chênh lệch thực sự về phát triển giữa các nền kinh tế.
Còn nếu dựa trên giả thiết rằng tất cả các nước giữ được tỷ lệ phát triển trung bình như trong 10 năm qua, thì thời gian để Việt Nam đuổi kịp các nước có phần lâu hơn.
"Ví như Việt Nam có thể mất 18 năm để đuổi kịp Indonesia, 34 năm với Thái Lan và 197 năm với Singapore. Khoảng cách với Singapore lớn như vậy vì tốc độ phát triển của nước này cũng rất nhanh trong 10 năm qua" - ông IL Houng Lee nói. Thời điểm đó, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 7 trong 10 nước thành viên ASEAN về mức thu nhập, sự phát triển kinh tế.
Nếu như vẫn áp dụng công thức đó, thì các con số đã thay đổi ra sao ở thời điểm hiện tại?
GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 đạt 3.499 USD (theo IMF). Nếu đặt giả thiết, các nước có GDP bình quân hơn ở ASEAN ngừng phát triển, Việt Nam sẽ mất khoảng 2 năm để đuổi kịp Indonesia, 11 năm với Thái Lan, 17 năm với Malaysia và 45 năm với Singapore.
Còn nếu dựa trên giả thiết rằng, tất cả các nước được đề cập ở trên giữ được tỷ lệ phát triển trung bình như trong 10 năm qua (tính giai đoạn 2010-2019), thì Việt Nam có thể mất 12 năm để đuổi kịp Indonesia, 27 năm với Thái Lan, 98 năm với Malaysia và 115 năm với Singapore.
GDP bình quân đầu người năm 2020 theo IMF: Việt Nam 3.499 USD, Indonesia 3.683 USD; Thái Lan 7.190 tỷ USD; Malaysia 10.371 USD; Singapore 57.719 USD.
Tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2010-2019: Việt Nam 6,5%; Indonesia 5,43%; Thái Lan 3,65%; Malaysia 5,33%; Singapore 3,92%.
Tuy nhiên, ông IL Houng Lee và các chuyên gia IMF cũng giải thích rằng, khoảng thời gian trên là kết quả của những tính toán đơn thuần về mặt cơ học. Nó có thể không phản ánh đúng sự chênh lệch thực sự giữa kinh tế Việt Nam và các nước trong khu vực.
Tính đến năm 2019, GDP bình quân đầu người của Thái Lan gấp 2,3 lần Việt Nam; Malaysia gấp 3,5 lần; Indonesia và Philippines cũng là những quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp nhưng gấp Việt Nam lần lượt là 1,5 lần và 1,1 lần; riêng Hàn Quốc thuộc nhóm nước có thu nhập cao với GDP bình quân đầu người gấp Việt Nam 5,7 lần.