Câu chuyện về cổ phiếu SRA của Công ty Cổ phần Sara Việt Nam có vẻ vẫn tiếp tục nóng, lôi cuốn sự quan tâm của giới đầu tư khi mà, đỉnh cổ phiếu này vẫn chưa thấy đâu bất chấp cổ phiếu đã tăng một mạch từ 9.300 đồng lên 84.900 đồng tính đến 10h30' phiên giao dịch 6/9/2018.
Như các bài viết trước chúng tôi đã đưa tin, SRA đã có bước ngoặt đáng kể năm nay khi quyết định bước chân vào lĩnh vực vật tư y tế. Tuy rằng, cho đến bây giờ, việc vào lĩnh vực y tế có phải miếng ăn ngon của SRA hay không còn tuỳ thuộc vào việc tăng vốn từ 20 tỷ lên 180 tỷ để lấy tiền đầu tư lớn vào bệnh viện đa khoa Phú Thọ có thành công hay không nhưng giá cổ phiếu đã kịp tăng không thấy đỉnh, lên ngưỡng ~85.000 đồng.
Câu chuyện của SRA đến giờ vẫn chưa tỏ tường nhưng có điều, không ít nhà đầu tư nhìn thấy "bóng dáng" câu chuyện của JVC trong đó.
Nghe thì có vẻ lạ lùng bởi SRA và JVC dường như xuất phát điểm chẳng có gì giống nhau. SRA hoạt động kinh doanh buôn bán hàng tạp phẩm, điện tử, tin học, thiết bị vật tư, phương tiện vận tải, sản xuất phần mềm vi tính….trong khi đó, JVC ngay từ đầu, như tên gọi của nó là kinh doanh buôn bán thiết bị và dụng cụ y tế, lắp đặt, sửa chữa thiết bị y tế…Thế nhưng, điểm tương đồng dần khiến những người theo dõi 2 cổ phiếu này bắt đầu thấy lạ.
Biến động giá cổ phiếu SRA 6 tháng qua
Thứ nhất: Địa điểm kinh doanh
Tự xưa, SRA đã có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phòng 205, Khu đô thị Đại Kim, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Địa chỉ này được SRA sử dụng ít nhất là từ trước khi niêm yết vào năm 2008. Còn JVC có địa chỉ trụ sở trước đây tại Biệt thự số 18, BT5, Khu đô thị Pháp Vân-Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Nhưng, từ mùa báo cáo tài chính quý 1 năm 2017, địa chỉ trụ sở của SRA đã được đổi về Biệt thự 35 BT5 Khu đô thị Pháp Vân-Tứ Hiệp, Phường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội và ĐHCĐ vừa qua lại tiếp tục một lần nữa đổi địa chỉ trụ sở. Còn JVC thì sau biến cố liên quan ông Lê Văn Hướng đã sang tên đổi chủ, chuyển địa chỉ về đường Đê La Thành.
Nếu nhà đầu tư vẫn chưa cảm thấy có sự liên quan lắm, 1 bên là biệt thự số 18, BT5 và 1 bên từng ở BT35, BT5 tức 2 căn biệt thự khác nhau trong cùng khu vực thì cũng đừng vội từ bỏ câu chuyện có thể sẽ hấp dẫn tiếp đây.
Sau biến cố JVC, có vẻ như doanh nghiệp này đã sang tên, đổi chủ và cũng không còn nhiều thứ để nói khi doanh thu, lợi nhuận một thời gian dài đã giảm sâu, kinh doanh bết bát. Nhưng, gia đình ông Lê Văn Hướng- nguyên giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT của JVC đã có thương vụ khác sau cú sụp đổ của JVC. Thương vụ đó là AMV- CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ.
Giữa năm 2017, CTCP Sản xuất kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (mã chứng khoán: AMV) thông báo đã hoàn tất việc mua 25 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ (Việt Mỹ Hospital) và sở hữu 83,33% vốn điều lệ của công ty này. Theo đó, Bệnh viện Việt Mỹ trở thành công ty con của AMV. Nguồn vốn để AMV mua Bệnh viện Việt Mỹ đến từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Trong tháng 6 năm 2017, AMV đã phát hành 25 triệu cổ phiếu cho 5 cá nhân, thu về 250 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ từ 21 tỷ đồng lên 271 tỷ đồng. Như vậy, chỉ 5 cá nhân này đã sở hữu gần 93% vốn điều lệ của AMV.
"Đối tượng" đáng chú ý ở đây là Bệnh viện Việt Mỹ - công ty này có trụ sở tại tỉnh Phú Thọ, mới được thành lập vào ngày 13/02/2017 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Công ty có 3 cổ đông sáng lập là CTCP Kanpeki Nhật Bản (nắm 98%), ông Lê Đức Khánh (nắm 1%) và bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh (nắm 1%). Trong đó, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh từng là Thành viên HĐQT, Phó Giám đốc của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC).
CTCP Kanpeki Nhật Bản thành lập năm 2015 và có trụ sở chính tại Biệt thự số 35 BT5, Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Công ty này có vốn điều lệ 200 tỷ đồng và có cổ đông lớn nhất là bà Nguyễn Phương Hạnh sở hữu 98%. Bà Nguyễn Phương Hạnh là vợ ông Lê Văn Hướng – người từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của JVC.
Rồi nhé, địa chỉ Biệt thự số 35 BT5, Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội của Sara Việt Nam (SRA) và địa chỉ của CTCP Kanpeki Nhật Bản là cùng một chỗ.
Thứ hai: Tư duy của con người và những bước đi giống nhau
Nghe thì có vẻ mơ hồ nhưng quả thật, sự giống nhau đến bất thường trong phương pháp mà AMV mua lại Việt Mỹ Hospital bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, lấy vốn đầu tư mua cổ phần Việt Mỹ Hospital và giá cổ phiếu AMV cũng phi một mạch từ ngưỡng dưới "cốc trà đá" lên ngưỡng 25.200 đồng hiện tại và phương pháp SRA tăng vốn từ 20 tỷ lên 180 tỷ để đầu tư vào bệnh viện đa khoa Phú Thọ thông qua hình thức liên kết đầu tư khiến nhiều người thấy rằng, có vẻ như 2 cuộc chơi này cùng một công thức.
SRA bằng phương pháp tăng vốn, hợp tác đầu tư đã từ một công ty chỉ chuyên về máy tính, phần mềm thành một công ty trong lĩnh vực y tế. Và vô hình chung, với sự liên doanh, góp vốn của SRA thì một phần "thịt" của bệnh viện đa khoa Phú Thọ sẽ ở trên thị trường chứng khoán dù bệnh viện này chưa cổ phần hoá. Giới đầu tư thường gọi cách làm này là kiểu "niêm yết cửa sau (back door listed)".
Hơn nữa, Việt Mỹ Hospital mà AMV vừa mua vào giữa năm trước và bệnh viện đa khoa Phú Thọ cùng ở phường Tân Dân, Thành phố Việt Trì, Phú Thọ. 2 đơn vị này chỉ cách nhau có một đoạn đường.