Câu chuyện thanh long nước ta rớt giá thê thảm vẫn đang nóng hổi. Nguyên nhân chính là quá phụ thuộc vào thị trường láng giềng khi Trung Quốc (TQ) chiếm đến 80%-90% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam (VN). Trong khi đó TQ đã mở rộng diện tích trồng thanh long trong nhiều năm qua ngang ngửa VN.
Không chỉ thanh long, các chuyên gia cảnh báo nhiều loại nông sản khác của VN cũng có nguy cơ rơi vào tình cảnh tương tự.
Nông sản Việt “đụng hàng” Trung Quốc
Đại diện Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương thông tin hiện nay diện tích trồng thanh long của TQ đạt hơn 35.000 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của VN. Chưa hết, theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp TQ, mỗi năm TQ sẽ tăng khoảng 1%, tương đương khoảng 2,2 triệu ha diện tích trồng dưa hấu, dưa lưới trong giai đoạn 2015-2020.
Đáng nói, TQ bắt đầu thu hoạch thanh long từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của VN. Đặc biệt, TQ không chỉ phát triển diện tích trồng dưa hấu tại nước này mà còn đổ sang Lào, Campuchia, Myanmar… để thuê đất trồng dưa hấu và đương nhiên họ sẽ ưu tiên mua dưa hấu của họ. Đây là một trong những lý do thời gian gần đây thanh long VN thường xuyên gặp khó về đầu ra vì “đụng hàng” thanh long TQ.
Trái vải thiều có thể cũng chung cảnh ngộ. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, dẫn chứng đầu năm nay, giá vải thiều đã giảm sâu do sản lượng nhiều, xuất khẩu sang TQ hạn chế vì nước này cũng trúng mùa trái vải. Riêng tại đảo Hải Nam (TQ) có diện tích trồng vải lớn lên tới 7.000-8.000 ha, sản lượng trong năm nay đạt khoảng 300.000 tấn, mức cao kỷ lục trong nhiều năm, tăng 30% so với năm trước đó. Và diện tích vải tại nước này cũng đang tăng nhanh.
Chuối nước ta nhiều năm nay cũng thường xuyên rơi vào cảnh được mùa mất giá. Thậm chí có thời điểm chuối chín rục trên cây nhưng không ai mua, phải đổ bỏ, phải “giải cứu” một phần cũng vì TQ giảm dần tiêu thụ nhờ tự cung tự cấp. Hiện nay TQ trồng chuối tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam với diện tích trên dưới 300.000 ha.
Từ lâu VN được biết đến là quốc gia xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Nhưng ngạc nhiên là vài năm gần đây, lượng cà phê nhập khẩu của VN lại tăng lên nhanh chóng.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia ngành cà phê, cho biết hiện nay TQ đã vươn lên đứng thứ 12 thế giới về sản lượng cà phê. Hơn nữa, vài năm trở lại đây, với công nghệ rang xay, chế biến phát triển, TQ đã xuất khẩu sản phẩm cà phê đi các nước, thậm chí xuất khá nhiều sang VN cho các hãng cà phê bán lẻ.
Hiện nay các hộ nông dân liên kết với doanh nghiệp trồng thanh long đạt chuẩn xuất khẩu đi Mỹ vẫn bán được giá cao, có khi lên tới 30.000 đồng/kg. Trong ảnh: Nông dân Bình Thuận thu hoạch thanh long. Ảnh: ĐỖ HỮU TUẤN
Nhu cầu một đằng, sản xuất một nẻo
Việc TQ trồng nông sản diện tích lớn nhiều năm qua, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, đã được Bộ Công Thương thông tin nhiều thời gian qua. Vấn đề là nông dân vẫn trồng tự phát tràn lan trong khi cơ quan quản lý và địa phương không thể kiểm soát nổi.
Người tiêu dùng Trung Quốc thay đổi
TQ đang mở rộng diện tích các loại nông sản đang nhập nhiều từ VN với mục đích tự tạo nguồn cung cấp trong nước. Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản vẫn rất lớn. Vấn đề doanh nghiệp Việt phải hiểu thị trường nhập khẩu, những người tiêu dùng TQ họ đã thay đổi, họ chọn hàng chất lượng, có truy xuất nguồn gốc.
Ông VĨ TÍCH THÀNH, Tham tán kinh tế thương mại
Tổng lãnh sự quán TQ tại TP.HCM
Ông Tùng dẫn chứng câu chuyện thanh long ruột đỏ cách đây mấy năm, lúc mới trồng được giá bán lên tới 50.000-60.000 đồng/kg. Lúc đó nông dân đua nhau chặt thanh long ruột trắng để trồng thanh long ruột đỏ. Đến lúc sản lượng quá lớn, dẫn đến giá thanh long ruột đỏ bán rẻ hơn cả thanh long trắng mà không ai mua.
Từ những bài học trên, theo ông Tùng, TQ sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng lẫn chất lượng thanh long và nhiều loại nông sản khác, giảm nhập từ VN. Vì thế, trước mắt các cơ quan quản lý cần xem lại quy hoạch, thông tin tuyên truyền cho người dân giảm mới trồng tự phát. Đồng thời VN cần thay đổi sản xuất, áp dụng công nghệ để đa dạng hóa thị trường, tránh bị phụ thuộc vào một vài thị trường.
“Bản thân nông dân phải tham gia chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Ví dụ, hiện nay nhiều nơi thua lỗ vì bán thanh long giá rẻ như cho nhưng các hộ nông dân liên kết với công ty chúng tôi để trồng thanh long đạt chuẩn xuất khẩu đi Mỹ vẫn bán được giá cao, có lãi cao. Chúng tôi vẫn thu mua thanh long tại vườn của nông dân với giá 16.000-24.000 đồng/kg tùy loại để xuất khẩu sang Mỹ” - ông Tùng chia sẻ.
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn VN, đánh giá việc nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường của nước ta về TQ quá kém, dù buôn bán sang thị trường này rất nhiều nhưng nghiên cứu vẫn không có. Điều này dẫn đến rất nhiều rủi ro cho nông sản Việt.
Bằng chứng rõ nhất là với mặt hàng dưa hấu, người tiêu dùng TQ có xu hướng lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng khoảng 3-4 kg/trái. Song dưa hấu của VN lại có trọng lượng cao, có trái 10-12 kg, chưa kể giá đắt hơn so với dưa hấu nước họ. Đây chính là một trong những lý do khiến dưa hấu thường bị dồn ứ tại các cửa khẩu xuất khẩu tiểu ngạch sang TQ.
Phải hiểu được người tiêu dùng các nước
GS Võ Tòng Xuân nhận xét đa số nông dân hiện nay vẫn đang sản xuất theo phong trào, theo "tâm lý đám đông" mà không quan tâm hoặc không nắm được thông tin thị trường. Vì vậy, bộ, ngành liên quan cần xây dựng hệ thống cảnh báo, thông tin thị trường kịp thời và hiệu quả cho các ngành sản xuất nông sản.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương phải cùng nhau ngồi lại để thông tin cho người dân, địa phương thấy nhu cầu thị trường cần bao nhiêu, thị trường nào cần sản phẩm gì, tiêu chuẩn chất lượng ra sao…
"Thương vụ VN tại các nước cần cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường của nước sở tại kịp thời, chính xác… cho bộ, ngành trong nước để tổng hợp. Từ đó mới có thể phân tích nhu cầu thị trường các nước rồi cung cấp cho người dân và các địa phương" - GS Xuân góp ý.