Số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/11 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng tới 6,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức độ tăng cao nhất kể từ năm 1990, vượt các dự báo đưa ra trước đó là 5,8 - 5,9%.
Ngay sau khi số liệu trên được công bố, dòng tiền chảy mạnh đi tìm kênh trú ẩn an toàn là vàng. Theo đó, giá vàng thế giới đã tăng vọt tới 2%, tương đương gần 40 USD/ounce, lên mức cao nhất trong 5 tháng.
Phản ứng nhanh với nhịp tăng của thị trường thế giới, giá vàng trong nước sáng nay mở cửa tiếp tục có phiên tăng thứ 6 liên tiếp, hiện đã chạm mốc cao kỷ lục 60 triệu đồng/lượng.
Lý giải về diễn biến này của thị trường vàng, trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, thông thường, giá vàng tính bằng USD, theo đó, khi đồng USD mất giá, giá vàng tăng lên. Ngoài ra, lạm phát cũng là một trong những rủi ro thị trường lo ngại có thể kéo dài, theo đó, nhà đầu tư tìm cách bảo toàn vốn thông qua mua vàng.
“Lạm phát có thể khiến các ngân hàng trung ương nghĩ đến chuyện tăng lãi suất. Lãi suất tăng khiến việc đầu tư vào các kênh khác bị hạn chế, nhất là bất động sản và chứng khoán. Theo đó, người ta nghĩ đến việc mua vàng để bảo toàn vốn, đó là về ngắn hạn”, ông Nghĩa nói.
Về dài hạn, theo chuyên gia, để kích thích nền kinh tế vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, trong thời gian qua, các ngân hàng trung ương đã đưa ra hàng loạt các chương trình mua trái phiếu chính phủ với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một lượng tiền cực lớn đã được cung ứng ra thị trường.
“Trong lúc chuỗi cung ứng đứt gãy, vòng quay của tiền chậm thì lạm phát chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi sản xuất kinh doanh bắt đầu phục hồi, chuỗi cung ứng được hàn gắn, vòng quay của tiền tăng lên làm cho tổng lượng tiền cung ứng tăng lên rất nhanh. Lạm phát theo đó có nguy cơ bùng nổ không chỉ trong ngắn hạn, trung hạn mà thậm chí là dài hạn vì khối lượng tiền in ra quá lớn và việc trung hòa nó sẽ mất khá nhiều thời gian”, TS. Nghĩa nhận định.
Theo đó, chuyên gia cho rằng, giá vàng còn có khả năng tăng tương đối trong không chỉ ngắn hạn mà còn cả trung hạn.
Về tính nền tảng, chuyên gia cho biết, sản lượng khai thác vàng mỗi năm chỉ tăng 1,5%, trong khi lượng tiền in mỗi năm tăng 3,5 - 4%, thậm chí cao hơn. Giá vàng theo đó sẽ tăng theo thời gian.
“Chỉ tính từ năm 1990 đến nay, giá vàng đã tăng tới hơn 40 lần, một con số đáng suy ngẫm”, ông Nghĩa nói.
Đối với thị trường trong nước, một điểm khá dễ nhận thấy trong thời gian qua, là giá vàng SJC thường phản ứng khá nhanh với các nhịp tăng của thị trường thế giới. Tuy nhiên, với các nhịp điều chỉnh, giá vàng trong nước vẫn duy trì đi ngang, đôi khi còn chuyển động ngược chiều. Điều này khiến cho khoảng cách giá giữa hai thị trường ngày càng được doãng rộng, hiện đã trên 8 triệu đồng/lượng.
Giải thích về điều này, chuyên gia cho rằng, một phần nguyên nhân là do truyền thống thích tích tài sản dưới dạng vàng của người dân Việt Nam. Điều này khiến thị trường vàng trong nước thường rất nhạy cảm với chuyển động của thị trường thế giới, thậm chí, trong chừng mực nào đó, mức độ biến động còn cao hơn thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, do Ngân hàng Nhà nước độc quyền về xuất nhập khẩu vàng miếng nên phản ứng của thị trường vàng trong nước phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất và nhập khẩu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường khá lớn.
“Khoảng cách giá giữa hai thị trường ngày càng doãng ra. Nghị định 24 về độc quyền vàng có vẻ đã bắt đầu lỗi thời. Tôi cho rằng chúng ta cần phải nghiên cứu lại, phải thay đổi để tạo ra một thị trường vàng minh bạch hơn, hiệu quả hơn”, TS. Nghĩa nêu ý kiến.