Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 202,02 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 19% và 17,5% của 5 tháng đầu năm 2017 và 2018; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 101,28 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 đã thâm hụt 1,3 tỷ USD và tính chung 5 tháng Việt Nam nhập siêu khoảng 548 triệu USD.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm mạnh về số lượng và giá trị trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ các năm trước như: gạo, cao su , cà phê …
Dấu hiệu tăng trưởng xuất khẩu chậm lại cùng cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt lớn trong tháng 5 và sau 5 tháng đầu năm 2019 xuất phát từ nguyên nhân gì và Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới?
BizLIVE ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp về vấn đề này.
TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
BA NGUYÊN NHÂN CHÍNH
Nói một cách khái quát nhất, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam quý I/2019 và cả 5 tháng đầu năm 2019 thấp hơn nhiều so với các năm gần đây, mặc dù xuất khẩu 5 tháng đã có bước tiến tốt hơn so với quý I/2019.
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến cán cân thương mại thâm hụt trong tháng 5 và cả 5 tháng đầu năm 2019.
Thứ nhất là, bối cảnh suy giảm thương mại chung của thế giới.
Số liệu gần đây cho thấy xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm như Nhật Bản, Indonesia, Singapore hoặc tăng nhẹ như Trung Quốc (tăng 1,4%). Trong khi tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 6,7%, mức tăng này khá thấp so với “thông lệ” của Việt Nam trong rất nhiều năm qua nhưng lại khá tích cực so với nhiều nước ở khu vực.
Rõ ràng, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới bên cạnh tính chu kỳ thì còn chịu tác động của các nhân tố khác, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới giảm thì tổng cầu giảm, kéo theo việc mức tăng xuất khẩu của Việt Nam không được như mong muốn mặc dù nó vẫn tốt hơn mức tăng trưởng âm của rất nhiều nước trong khu vực.
Lý do thứ hai là xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào khu vực FDI và trong khu vực FDI thì phụ thuộc nhiều vào một số tập đoàn lớn như Samsung. Rõ ràng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Samsung hiện đã giảm khá nhiều so với các năm trước.
Trong khi trước doanh nghiệp này tăng trưởng ở mức hai con số thì sang năm 2019, tốc độ tăng trưởng 3 tháng đầu năm rất thấp và đến 5 tháng thì có khá hơn nhưng cũng chỉ ở mức vài phần trăm.
Cuối cùng là nông nghiệp. Khác hẳn với hai năm vừa qua, năm nay xuất khẩu nông nghiệp khó khăn hơn rất nhiều, một số mặt hàng sụt giảm cả về lượng và giá còn một số mặt hàng sụt giảm về giá. Trong nhiều ngành hàng, xu hướng tăng trưởng của các mặt hàng lại khác nhau, trong khi xuất khẩu tôm có thể tăng nhẹ thì xuất khẩu cá tra lại giảm.
Xuất khẩu nông sản Việt Nam có rất nhiều mặt hàng là xuất sang thị trường Trung Quốc. Trong khi bối cảnh chung của nền kinh tế Trung Quốc năm nay là suy giảm, ngoài ra thị trường này lại yêu cầu khắt khe hơn về mặt tiêu chuẩn. Điều này về mặt dài hạn là tốt cho Việt Nam thế nhưng trước mắt lại hạn chế một phần xuất khẩu nông sản.
Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk
CÀ PHÊ XUẤT KHẨU GIẢM NHƯNG TIÊU THỤ NỘI ĐỊA TĂNG, NHÀ MÁY ĐANG CHẠY HẾT CÔNG SUẤT
Theo Tổng Cục Thống Kê, xuất khẩu cà phê Việt Nam 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 767 nghìn tấn và 1,3 tỷ USD giá trị, giảm 13,1% về lượng và giảm 23% về giá trị so với 5 tháng đầu năm 2018. Xuất khẩu cà phê sang các thị trường chủ lực như Đức, Mỹ, Đông Nam Á, Nhật Bản đều giảm lên đến hai con số cả về lượng và giá trị.
Sản lượng xuất khẩu sụt giảm do sản lượng thu hoạch mùa vụ 2018/2019 của Việt Nam giảm khoảng 20% (theo Vicofa) vì bị mất mùa và do giá xuất khẩu thấp. Giá xuất khẩu do giá thế giới quyết định.
Thị trường cà phê toàn cầu trong những tháng đầu năm 2019 tiếp tục chịu áp lực dư cung bởi hàng tồn kho mùa vụ 2018/2019 và sản lượng thu hoạch đạt kỷ lục trong niên vụ 2018/2019 của Brazil, Columbia.
Năm nay, phải đến tháng 11, Việt Nam mới có hàng vụ mới nên tình hình xuất khẩu cà phê trong những tháng tới khó có thể cải thiện đáng kể. Vì vậy, nhiều khả năng, kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2019 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 17% - 20% so với năm 2018.
Tuy nhiên, tín hiệu tốt đối với ngành cà phê Việt Nam là lượng tiêu thụ trên thị trường nội địa tăng; các nhà máy sản xuất cà phê hòa tan của Việt Nam đang chạy hết công suất; hầu hết các chủ đầu tư đều muốn mở rộng quy mô nhà máy sản xuất, tăng sản lượng cũng như đầu tư nhà máy mới tại Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, ngành cà phê nhân xuất khẩu của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vì xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhưng với những cơ hội từ tự do thương mại hiện nay, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế phát triển thị trường thế giới cho chế biến sâu nông sản, cũng như cà phê rang xay, hoà tan
Ông Dương Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Thị trường, Kinh doanh Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG)
CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI KHIẾN XUẤT KHẨU CAO SU BỊ ẢNH HƯỞNG
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2019 sản lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên (CSTN) của Việt Nam đạt 415.044 tấn, kim ngạch xuất khẩu là 556,9 triệu USD. Tính đến 31/5/2019, xuất khẩu CSTN ước đạt 488 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu 662 triệu USD, tăng 10,3% về khối lượng và tăng 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá bán bình quân chủng loại SVR 3L đạt 1.529 USD/tấn, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù giá bán bình quân trong tháng 5 đã tăng, tuy nhiên, lượng cao su xuất khẩu chỉ đạt 73.000 tấn đã dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của tháng giảm so với các tháng đầu năm,.
Thứ nhất, diễn biến thời tiết vào các tháng đầu năm 2019 khá phức tạp. Các đợt nắng nóng kéo dài tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc đã làm sản lượng khai thác bị sụt giảm liên tục.
Bước vào đầu mùa vụ mới của năm 2019, tình trạng nắng nóng kéo dài vẫn tiếp tục, đặc biệt rơi vào tháng 5, cũng là tháng bắt đầu cho mùa vụ mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch khai thác của VRG. Đây là một nguyên nhân dẫn đến giá mủ nguyên liệu tại các khu vực trong nước giữ ở mức 290-300 đồng/độ TSC mặc dù giá các sàn giao dịch giảm.
Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2019 giảm là do Trung Quốc đã thay đổi chính sách về hải quan đối với cao su tổng hợp (mixture) nhập khẩu. Như chúng ta đã biết, sản lượng cao su mixture xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2019 chiếm hơn 50% lượng hàng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Trước đây, cao su tổng hợp của Việt Nam chịu mức thuế nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc là dưới 10%. Tuy nhiên, đến 01/5/2019, Hải quan Trung Quốc đã thay đổi chính sách và tăng cường giám sát chặt chẽ vào cao su tổng hợp nhập khẩu vào Trung Quốc đã ảnh hưởng đến lượng xuất khẩu của cao su Việt Nam vào thị trường này.
Thứ ba, lo ngại về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc các nhà sản xuất và thương mại tiếp tục chờ đợi các diễn biến tiếp theo của thị trường.
Căng thẳng về chiến tranh thương mại tiếp tục kéo dài và leo thang giữa Mỹ Trung Quốc khiến cho xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu cao su nói riêng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Vì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 60% tổng lượng cao su xuất khẩu.
Với việc Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với một số sản phẩm cao su nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm mủ cao su, băng tải, lốp xe khí nén, găng tay, gioăng… từ ngày 10/5/2019. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc cho biết chính sách thuế của Mỹ có thể sẽ tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu linh kiện ôtô của nước này.
Tuy nhiên, Việt Nam lại ghi nhận xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tăng trong cùng kỳ. Việt Nam là một trong 3 nguồn cung cao su lớn nhất của Trung Quốc, sau Thái Lan và Malaysia. Trong khi tăng nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia, lần lượt giảm 7,3% và 14,6%.
Có thể nói Việt Nam là nước được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này thể hiện rõ việc các công ty Trung Quốc đã và đang dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc để né các đòn trừng phát của Mỹ. Việt Nam được xem là nơi thuận lợi nhất để các nhà đầu tư Trung Quốc nhắm đến do có lực lượng lao động trẻ, có trình độ, cơ sở hạ tầng tốt và có vị trí địa lý thuận lợi.
Năm 2019 này có thể nói là năm tiếp tục khó khăn của ngành cao su, tuy nhiên, theo tôi là giá bán bình quân cao su 2019 sẽ được cải thiện.
Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T
TẬN DỤNG LỢI THẾ ĐỂ XUẤT KHẨU SANG THỊ TRƯỜNG MỸ
Trong bối cạnh nhiều thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam suy giảm đặc biệt là Trung Quốc thì Việt Nam lại đang có cơ hội rất lớn khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu như Vina T&T, thị trường Mỹ đang có cơ hội để phát triển nhiều hơn. Hiện nay, Vina T&T đang tích cực mở rộng thị trường tại Mỹ, lượng mặt hàng tại thị trường này khá đều và tăng trưởng.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh đến từ các quốc gia khác cũng rất mạnh mẽ, đến từ tất cả các mặt hàng. Ví dụ như Thái Lan, họ đã xuất khẩu mặt hàng dừa vào thị trường Mỹ từ khá lâu, đến khi doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng đưa mặt hàng dừa sang thị trường này thì sẽ gặp khó. Một mặt hàng khác là trái xoài Cát Chu của Việt Nam đang giống hệt với giống xoài từ Mexico mà giá lại thấp hơn 5-7 lần.
Mặc dù vậy, quan trọng nhất vẫn là đánh giá từ người tiêu dùng và tại Mỹ, chất lượng hàng nông sản Việt Nam hiện đang được đánh giá khá cao hơn nhiều quốc gia. Vì vậy, hàng trái cây Việt Nam vẫn rất được ưu chuộng tại Mỹ.
Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam như chi phí cao và tình trạng độc quyền về chính sách. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đang phải chịu nhiều loại chi phí bao gồm: phí vận chuyển, chiếu xạ...
Chỉ riêng quá trình chiếu xạ, hiện cả khu vực miền Nam chỉ có một đơn vị độc quyền về chiếu xạ nên các doanh nghiệp phải chịu chi phí cao và tốn rất nhiều thời gian “chờ chực” khiến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Những điều này khiến các doanh nghiệp bị giảm năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác.