Các chuyên gia cho rằng sẽ không bất ngờ nếu tăng trưởng GDP quý 3 đạt 2 con số, và cấp độ này chưa hẳn nhiều khởi sắc trong khi đã hiện hữu nhiều tín hiệu rủi ro…
Thứ Năm tuần này (29/9), Tổng cục Thống kê (GSO) sẽ công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng 2022. Nhiều dự báo tăng trưởng GDP quý 3 này sẽ đạt cấp độ 2 con số.
Con số quan trọng, song các chuyên gia cho rằng đánh giá các động lực tăng trưởng còn quan trọng hơn. Họ quan tâm ở hướng những động lực đó đang và sẽ thu hẹp hay không.
Các dự báo đều có lý, nhưng…
Trong báo cáo kinh tế phát hành ngày 26/8, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa, các chỉ số kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm, đặc biệt khi lĩnh vực du lịch đã được mở cửa trở lại sau hai năm đóng cửa.
“Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý 3/2022 và 3,9% trong quý 4/2022, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%”, Ngân hàng Standard Chartered dự báo.
Cũng trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 14% trong quý 3 này, nhờ động lực tăng từ sự hồi phục của tiêu dùng và sản xuất và do mức nền thấp của quý 3/2021.
TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương không ngạc nhiên về những dự báo này. Các dự báo của tổ chức trong nước và quốc tế đều có lý.
“Cơ sở để đưa ra con số tăng trưởng từ 10% trở lên được kỳ vọng vào xuất nhập khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng dần khi ngành du lịch thu hút được du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng”, TS. Nguyễn Tú Anh phân tích.
Với dự báo tăng trưởng trong quý 3/2022 có thể trên 10%, song TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế cho rằng, con số này hiện đang so sánh với cùng kỳ tăng trưởng âm 6,17%, còn thực tế nền kinh tế Việt Nam chưa nhiều tín hiệu khởi sắc, trong khi các tín hiệu rủi ro lại hiện hữu.
“Chi phí sản xuất tăng cao trên nền cao không chỉ giá xăng dầu mà còn giá các nguyên vật liệu kể cả trong công nghiệp cũng như nông nghiệp. Trong nông nghiệp giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao; trong công nghiệp thì giá xăng dầu và giá các vật liệu cơ bản khác đều tăng”, ông Phong quan ngại.
Trong khi hai động lực tăng trưởng của năm 2022 là xuất khẩu và thu hút vốn nước ngoài có nguy cơ thu hẹp dần. Cụ thể, về xuất khẩu, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật... đang gặp khó khăn, thậm chí có thể rơi vào suy thoái thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể chậm lại, thậm chí giảm.
“Như vậy, có thể thấy rủi ro tăng trưởng trong quý 4 là không nhỏ”, ông Phong dự tính.
Dự báo về mức tăng trưởng GDP trong quý cuối của năm, TS. Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng, cùng kỳ năm trước, Việt Nam bắt đầu kiểm soát được dịch, sản xuất - dịch vụ - thương mại cũng dần khôi phục, khiến tăng trưởng cũng tăng rất là cao. Vì vậy, mức tăng trưởng cao trong quý 3 này khó có thể kéo dài sang quý 4/2022.
Trong khi đó, để chống lại lạm phát các nền kinh tế lớn đang thực hiện các chính sách tiền tệ và nâng lãi suất lên như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng 3 lần và mỗi lần là 0,75%, và sắp tới có thể tiếp tục tăng.
“Việc lãi suất USD tăng khiến đồng USD lên giá, làm cho dòng vốn có xu hướng quay trở về Mỹ. Đặt ra bài toán duy trì dòng vốn nước ngoài vẫn chạy vào Việt Nam tạo ra động lực cho kinh tế trong nước phát triển là một thách thức cần phải xử lý”, ông Tú Anh lưu ý.
Giữ đà tăng trưởng?
Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ cần phải kiểm soát được kỳ vọng lạm phát và duy trì được kỳ vọng của tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo ông, cả hai điều này Việt Nam đã làm tốt thời gian qua.
Phân tích cụ thể, TS. Nguyễn Tú Anh điểm lại, trong thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt chỉ số lạm phát luôn ở mức thấp so với các nước trên thế giới. “Từ đầu năm đến nay, dù lạm phát của các nước trên thế giới tăng rất cao, đặc biệt là các nước EU, Mỹ, Anh… rất cao, song ở Việt Nam ở mức thấp. Điều này khiến cho thị trường không bị hoảng loạn khi nhìn thấy lạm phát cao ở bên ngoài để tạo ra áp lực thêm ở trong nước”.
“Trong khi đó, các chỉ số cũng cho thấy tiêu dùng và đầu tư tăng cao. Điều cũng phản ánh niềm tin và kỳ vọng vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là tốt”, ông Tú Anh nhìn nhận.
Tuy vậy, trước những thách thực đặt ra, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, làm động lực cho các loại hình kinh tế phát triển là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, cần phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách quản lý giá để giữ được sự ổn định và đảm bảo các cân đối lớn.
Cần theo dõi sát, cân đối cung cầu các loại hàng hóa thiết yếu để có các giải pháp kịp thời chủ động nguồn cung phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như hoạt động xúc tiến thương mại để bù đắp những đơn hàng có thể sụt giảm.
“Đặc biệt, cần tiếp tục theo dõi biến động giá cả nguyên vật liệu đầu vào, giá cả xăng dầu trong nước và trên thế giới để có kế hoạch, chính sách phù hợp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân giảm được phần nào áp lực của giá xăng dầu, giá hàng hóa mà dự báo có thể vẫn tăng cao trong thời gian tới”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong khuyến nghị.