Khắp nơi trên thế giới, ai ai cũng ngóng chờ thời điểm thông báo đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, để cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường. Nhưng tiếc thay, mọi chuyện có lẽ sẽ chẳng dễ dàng được như thế, dựa trên những gì đã và đang xảy ra tại Vũ Hán - nơi khởi phát đại dịch.
Ngày 8/4, chính quyền Vũ Hán tuyên bố nới lỏng lệnh hạn chế di chuyển, chính thức kết thúc thời hạn phong tỏa toàn thành phố kéo dài 76 ngày. Những tưởng cuộc sống sẽ trở lại bình thường, nhưng không! Người dân và các doanh nghiệp địa phương đang phải chứng kiến cuộc sống phục hồi với tốc độ chậm rãi đến đau lòng.
Dù đã hết phong tỏa, nhưng rất nhiều cửa hàng vẫn đang đóng của. Nhà hàng bị giới hạn hoạt động, chỉ cho phép phục vụ các đơn mang về. Và cả người dân nữa, có những người trang bị đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân khi ra ngoài, tất cả hạn chế tiếp xúc gần gũi với nhau.
CNN cho biết, cuộc sống vận hành thực tế có phần khác biệt so với các văn bản chính thức. Ngày 8/4, quan chức kiểm soát dịch bệnh của Vũ Hán - Luo Ping - tuyên bố một số lĩnh vực của thành phố đã tái hoạt động với tỉ lệ 100%. Ngày 25/4, chính quyền Vũ Hán cam kết về một "thắng lợi kép" của thành phố, cả trong kiểm soát dịch bệnh lẫn phát triển kinh tế.
Dẫu vậy, ngay cả cơ quan truyền thông của chính phủ cũng nhận định rằng kế hoạch tái hoạt động thành phố ở tỉ lệ 100% vào cuối tháng 4 có vẻ là "lạc quan quá mức" rồi.
CNN thực hiện một chuyến khảo sát thực tế tại Vũ Hán trong thời gian vừa qua. Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết họ vẫn đang vật lộn với tình cảnh không có lợi nhuận, trong khi chi phí thuê nhà phải trả rất cao. Một số chuyên gia thì cho rằng nền kinh tế của thành phố sẽ cần nhiều tháng nữa để phục hồi, hoặc thậm chí là lâu hơn.
"Trong ngắn hạn, dĩ nhiên là sẽ có phục hồi," - trích lời Larry Hu, nhà kinh tế học từ công ty đầu tư Macquarie Capital Limited. "Sản xuất sẽ phục hồi đầu tiên rồi mới đến tiêu dùng, bởi nhiều người vẫn chưa sẵn sàng ra ngoài. Nhưng về lâu dài, sự ảnh hưởng của virus đến với nền kinh tế Vũ Hán có thể lên tới 3 năm."
Phục hồi chậm đến đau lòng
Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, với dân số hơn 11 triệu người - nhiều hơn phần lớn các thành phố của Hoa Kỳ. Đây có thể xem là trung tâm sản xuất và là trạm trung chuyển hàng hóa tới phần còn lại của Trung Quốc.
Khởi nguồn của dịch bệnh cũng là tại thành phố này, vào giữa tháng 12/2019, và nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn, đòi hỏi thành phố phải bị phong tỏa vào ngày 23/1/2020 nhằm kiểm soát dịch bệnh. Chỉ sau 1 đêm, toàn bộ thành phố trở nên vắng lặng theo đúng nghĩa đen. Tại nhiều nơi trong thành phố, người dân thậm chí còn không thể ra ngoài, dựa hoàn toàn vào dịch vụ giao hàng để có thức ăn và nhu yếu phẩm mỗi ngày.
Nền kinh tế của Vũ Hán như đóng băng vào thời điểm đó. Vậy nên lúc lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, chính quyền thành phố đã rất trông chờ vào việc đưa doanh nghiệp vào tái hoạt động càng nhanh càng tốt. Nhưng các dấu hiệu cho thấy, quá trình phục hồi sẽ không thể một sớm một chiều.
Nhiều nhà hàng, cửa hiệu tại Vũ Hán vẫn chưa thể tái hoạt động
Shaun Roache, chuyên gia kinh tế tại tổ chức tư vấn tài chính S&P Global Ratings cho biết, những gì xảy ra tại Vũ Hán có thể là bài học dành cho cả thế giới. Việc sớm ngăn chặn được virus corona có thể gây tổn hại lớn cho nền kinh tế, nhưng làm càng sớm, thời gian phục hồi sẽ càng nhanh chóng. Dẫu vậy, ảnh hưởng đối với từng lĩnh vực sẽ khác nhau, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Họ (doanh nghiệp vừa và nhỏ) có nguồn vốn khá hạn hẹp để giúp họ tiến đến giai đoạn phục hồi, đồng thời gặp khó khăn khi tái mở cửa," - ông nhận định.
Trong một cuộc khảo sát của CNN vào ngày 21/4, các con phố nhộn nhịp trước kia của Vũ Hán vẫn rất vắng vẻ. Hơn 1/2 số doanh nghiệp địa phương vẫn phải đóng cửa. Tân Hoa Xã đưa tin, GDP của toàn tỉnh Hồ Bắc đã giảm 40% trong quý đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng tháng 3 chiếm 15%.
Chính phủ thông báo sẽ hỗ trợ bằng cách miễn tiền thuê mặt bằng 3 tháng đối với các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp tư nhân, họ phải gồng gánh chi phí thuê nhà trong khi lợi nhuận không có, và điều đó khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vĩnh viễn.
"Tôi mở lại cửa hàng được 2 ngày. Chẳng có khách tới ăn vì vẫn bị cấm phục vụ, và mới chỉ có khoảng 2 - 3 đơn đặt trực tuyến. Chi phí mở cửa lớn hơn khoản thu về, nên tôi đành đóng cửa tiếp," - một chủ nhà hàng chia sẻ với tờ Global Times.
Nỗi lo đợt dịch thứ 2
Một số doanh nghiệp nhỏ chia sẻ rằng sự hỗ trợ của chính phủ có thể sẽ đến quá muộn để giúp họ tồn tại trên thương trường. Hiện tại, các trung tâm thể hình và rạp chiếu phim vẫn bị cấm, chưa biết khi nào mới có thể tái hoạt động.
Đối với các doanh nghiệp may mắn có thể mở cửa, họ buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh. Các thương hiệu lớn như Starbucks, McDonald's, Burger King, KFC, Pizza Hut... đều phải ngăn khách hàng tụ tập trong cửa tiệm. Thay vào đó, họ chuyển bàn ghế ra trước cửa, và để nhân viên đến tận nơi gọi món.
Roache cho biết, dù ngành sản xuất có vẻ đã phục hồi rất nhanh, nhưng ngành dịch vụ thì chậm đến đau lòng. "Đây là yếu tố quan trọng, bởi dịch vụ nằm trong số các ngành tập trung nhiều doanh nghiệp nhất của mọi nền kinh tế," - ông cho biết.
Nhưng đắng cay hơn cả, nhiều cư dân và chủ doanh nghiệp tin rằng việc đợt dịch thứ 2 nổ ra chỉ là vấn đề về thời gian. Họ sợ rằng khi đó thành phố sẽ lại phải phong tỏa, và nền kinh tế tiếp tục chịu tổn hại nặng nề.
Vũ Hán có thể nói là còn chặng đường dài để đi trên con đường phục hồi kinh tế, và đó cũng là tình cảnh chung cho cả thế giới, sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.