Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong phiên giao dịch 12/10, cơ quan này tiếp tục cho các ngân hàng vay mới gần 26.667 tỷ đồng qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Cũng giống phiên trước đó, các hợp đồng mua repo này đều có kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày với lãi suất chỉ 5%/năm.
Tính chung 3 phiên đầu tuần, NHNN đã cho các ngân hàng vay mới hơn 74.435 tỷ đồng tại các kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày. Trong khi có 35.000 tỷ đồng đáo hạn, do đó nhà điều hành đã bơm ròng 39.435 tỷ đồng vào hệ thống qua kênh OMO.
Đi cùng hoạt động cân đối trên kênh OMO, NHNN tiếp tục dừng phát hành tín phiếu mới để hút tiền về. Trong khi có 22.000 tỷ tín phiếu cũ đáo hạn, qua đó đưa tổng lượng tiền mà NHNN đã cung ứng ra thị trường trong 3 phiên vừa qua lên gần 61.435 tỷ đồng. Đây là đợt bơm thanh khoản mạnh mẽ nhất của nhà điều hành kể từ đầu tháng 9 đến nay.
Mặt khác, lãi suất trúng thầu OMO trong những phiên vừa qua cũng liên tục được duy trì ở mức 5 – 5,5%, thấp hơn nhiều so với tuần trước dù kỳ hạn được nâng lên 14 và 28 ngày từ mức 7 ngày trước đó. Đồng thời, tất cả thành viên có nhu cầu vay nóng trong phiên các đều được NHNN đáp ứng đầy đủ.
Những chỉ dấu này cho thấy nỗ lực hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của nhà điều hành.
Đồng thuận với hoạt động bơm thanh khoản mạnh mẽ của NHNN, lãi suất VND trên thị liên ngân hàng đã hạ nhiệt sau khi tăng mạnh vào phiên đầu tuần.
Số liệu mới nhất của NHNN cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80 - 90% tổng khối lượng giao dịch) đã giảm xuống còn 7,02%/năm trong phiên giao dịch 11/10, từ mức 7,47%/năm trước đó. Trong khi kỳ hạn 1 tuần giảm từ 7,51%/năm xuống còn 6,89%/năm. Dù vậy, đây vẫn là vùng lãi suất liên ngân hàng cao nhất trong hơn 10 năm qua
Với những diễn biến trên, thanh khoản hệ thống và cân đối nguồn đã bớt căng thẳng. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND lại chịu nhiều sức ép khi chênh lệch lãi suất giữa VND và USD bị thu hẹp, làm giảm sự hấp dẫn của tiền Đồng.
Ghi nhận vào đầu giờ chiều 13/10, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng mạnh hơn 100 đồng. Theo đó, giá bán USD đã lên vùng 24.200 đồng/USD, chạm mức trần áp dụng cho hôm nay là 24.202 đồng/USD.
Như vậy, từ đầu tháng 10 đến nay, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 180-200 đồng/USD. Và so với cuối năm 2021, mức tăng đã lên tới 1.270-1.300 đồng/USD, tương đương tăng khoảng 5,5%.