Cuối tuần qua, NHNN đã chính thức điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) lần đầu tiên kể từ tháng 03/2014.
Cụ thể, lần gần nhất vào ngày 18/3/2014, Ngân hàng Nhà nước giảm đồng loạt các lãi suất điều hành, trong đó có lãi suất OMO với mức giảm từ 5,5%/năm xuống còn 5%/năm. Mức 5%/năm nói trên duy trì suốt gần 5 năm qua, dù nhiều điều kiện thị trường đã thay đổi lớn, ngay cả sau khi đã có đợt giảm các lãi suất điều hành vào tháng 7/2017.
Tuy vậy, đến cuối tuần qua, thị trường đã ghi nhận động thái điều chỉnh giảm mức lãi suất trên của nhà điều hành nhưng chỉ với một bước nhỏ khi giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm.
Các nhà phân tích đến từ công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng đây là bước cụ thể hóa thông điệp của Thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành vừa qua (ngày 8-9/1), nhằm hỗ trợ thêm điều kiện để các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay. Việc điều chỉnh lãi suất OMO cũng diễn ra trước thềm mùa cao điểm thanh toán và chi trả cuối năm, cận Tết Nguyên đán.
Như vậy, từ tháng 7/2017 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt có điều chỉnh các loại lãi suất quan trọng. Những điều chỉnh này chủ yếu mang tính tín hiệu và thể hiện sự thận trọng với bước điều chỉnh nhỏ.
Nhìn dài hơi hơn, về định hướng chính sách tiền tệ, nếu không có cú sốc nào lớn từ giá dầu dẫn đến CPI tăng vượt dự đoán, thì BVSC cho rằng vẫn còn dư địa để NHNN tiếp tục duy trì định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2018 với liều lượng tương đương 2017 để giữ nhịp tăng trưởng.
Trong kịch bản tích cực, nếu lạm phát trung bình năm 2018 có mức tăng thấp hơn dự báo (chỉ 2-2,5%) thì sẽ có cơ hội để các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Theo BVSC, chỉ khi lãi suất huy động giảm xuống, lãi suất cho vay mới có thể giảm theo vì chỉ số NIM của hệ thống ngân hàng Việt Nam rất khó giảm tiếp do hiện đã ở mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực.