Sau 2 tuần triển khai TT 01, đến nay các ngân hàng bước đầu có kết quả báo cáo, nhìn chung là tích cực, nhưng để đảm bảo tích cực hơn nữa, quyết liệt hiệu quả hơn và chủ động hơn nữa, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 31/3/2020 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19..
"Big Four" ngân hàng nhập cuộc giảm mạnh lãi suất cho vay
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, Chỉ thị 02 nhấn mạnh toàn ngành Ngân hàng tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc" với quyết tâm và sự đồng bộ thống nhất cao hơn nữa từ Trung ương đến địa phương, từ NHNN đến các TCTD để triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
"Trong 13 đầu mục công việc của chỉ thị này cho thấy trách nhiệm của NHNN là rất lớn, trong đó có nhiệm vụ trực tiếp làm việc với Chủ tịch HĐQT và TGĐ về việc triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng", ông Hùng nhấn mạnh.
Chia sẻ tại cuộc họp chỉ đạo của NHNN tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất sau khi NHNN ban hành thông tư 02 ngày 31/03/2010, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú, ngay sau khi Thông tư 01 được ban hành, ngân hàng đã chỉ đạo toàn hệ thống thống kê đối tượng thiệt hại, bị ảnh hưởng theo ngành nghề, theo mức độ để từ đó xác định từng nhu cầu hỗ trợ theo từng khách hàng cụ thể.
Theo thống kê chưa đầy đủ, BIDV đã cơ cấu giảm nợ cho 3.300 khách hàng. Đồng thời miễn giảm lãi các dư nợ cũ từ 0,5 đến 1,2% /năm. Triển khai các gói cho vay mới lên tới 125.000 tỷ đồng để giải ngân trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại nợ, giãn nợ ... đến sau 3 tháng ngày Chính phủ công bố hết dịch.
Ngay sau khi có Công điện 03 của Thống đốc, BIDV cũng sẽ có văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo hoạt động ngân hàng vận hành đầy đủ, an toàn, thông suốt, phục vụ nền kinh tế.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cũng thông tin, Vietcombank vừa qua đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá lại kết quả sau nửa tháng triển khai Thông tư 01. Theo đó, ngay sau khi có Thông tư 01, Vietcombank đã giảm lãi suất từ 1-1,5% cho tất cả DN, cá nhân được xác định chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, Vietcombank đã giảm lãi suất với khối lượng dư nợ tín dụng 112.000 tỷ đồng. Vietcombank dự kiến tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất từ 1-1,5% cho các khoản dư nợ hiện hữu, nếu trước đây thời gian áp dụng là tới 30/4 thì nay kéo dài đến 30/9/2020. Bên cạnh đó, đối với cho vay mới, ngân hàng cũng sẽ kích hoạt gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 2-2,5%/năm, trong đó giảm lãi suất cho đối tượng DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho nền kinh tế là 2,5%, như vậy lãi suất cho vay dự kiến của ngân hàng sẽ chỉ còn 4,5-5%/năm - thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động hiện nay.
Đại diện các "ông lớn" ngân hàng phát biểu tại cuộc họp chỉ đạo của NHNN tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất sau khi NHNN ban hành thông tư 02 ngày 31/03/2010
Về phía Vietinbank, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch nhà băng này cũng thôg tin, từ 31/3 Vietinbank sẽ tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng doanh nghiệp và người dân vay vốn ở Vietinbank ở mức khoảng 2%/năm và có thể cao hơn 2%/năm trước hết đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như các hoạt động phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh cần thiết của các doanh nghiệp.
Cũng giống như Vietcombank, Vietinbank và BIDV, ông Phạm Hoàng Đức – Chủ tịch Agribank bổ sung, "cái mà chúng tôi tập trung là làm thế nào đặc biệt miễn giảm lãi thực chất. Chúng tôi đã có văn bản đưa ra gói ưu đãi lãi suất quy mô khoảng 100 ngàn tỷ, dự kiến triển khai từ 1/4/2020. Và với tinh thần của Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Agribank cam kết sẽ cùng với các NHTM triển khai các cơ chế, chính sách trong đó hỗ trợ giảm lãi suất thêm 2%/năm đối với các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid 19 như hiện nay".
Cũng tại buổi làm việc, một số ý kiến cho rằng ngân hàng cần sự đồng thuận của cơ quan quản lý khác đối với hoạt động ngân hàng. Đơn cử như chính sách về thuế, phí. Ngân hàng sẽ gặp khó khăn kép khi mà chính bản thân các ngân hàng cũng đang gặp khó khăn, cộng thêm khó khăn nữa khi đang nỗ lực chia sẻ với DN. Vì vậy các ngân hàng mong muốn chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan quản lý cũng nên xem ngân hàng là DN, bởi ngân hàng có khoẻ mới chia sẻ được với rủi ro của DN.
Tối thiểu giảm 2% lãi suất so với thời điểm trước khi có dịch
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, ngân hàng là một trong những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, nên những giải pháp của ngành Ngân hàng đưa ra trong việc hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung, DN và người dân nói riêng ở thời điểm này là vô cùng ý nghĩa.
Phó Thống đốc cũng ghi nhận sau khi NHNN ban hành Thông tư 01, hệ thống ngân hàng đã triển khai rất nhanh, "từng ngân hàng có cách thức vào cuộc khác nhau nhưng tựu chung lại đều đã thực hiện đúng tinh thần của Thông tư 01, qua đó tạo điều kiện hỗ trợ cho DN và nền kinh tế".
Tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy trên tinh thần của Chỉ thị số 02/CT-NHNN, Phó Thống đốc đề nghị các ngân hàng cần triển khai một số nội dung trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt nội dung tại Công điện số 03/CĐ-NHNN thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc, song vẫn phải đảm bảo hoạt động thông suốt; đặc biệt là các bộ phận giao dịch trực tiếp phục vụ cho nền kinh tế, nhu cầu thiết yếu của người dân như thanh toán, gửi tiền...
Thứ hai, triển khai đầy đủ, tích cực các nội dung đối với TCTD được đề ra tại Chỉ thị 02. Việc triển khai ngay Chỉ thị này cũng là thể hiện tinh thần quyết liệt trong việc thực hiện Thông tư 01 cũng như các giải pháp cấp bách trong thời điểm cao trào của dịch và thời gian sắp tới.
Thứ ba, cần tiếp tục thực hiện Thông tư 01 nhưng với tinh thần quyết liệt hơn, cấp độ cao hơn, triển khai rộng khắp trong cả hệ thống; tiếp tục quan tâm vấn đề hạ lãi suất, kể cả lãi suất của các khoản dư nợ cũ, khoản cho vay mới. Các NHTM nên cố gắng tối thiểu giảm 2% lãi suất so với thời điểm trước khi có dịch.
Thứ tư, cần tăng cường sự đồng thuận và phối hợp hơn giữa các TCTD để hỗ trợ cho các DN, tránh chuyện mỗi ngân hàng xử lý một kiểu.
Thứ năm, vấn đề cắt giảm chi phí hoạt động, thiết lập lãi suất đầu vào sao cho hợp lý cũng cần đồng thuận giữa các ngân hàng, không tạo ra cú sốc, không tạo ra việc một ngân hàng giảm quá sâu còn có ngân hàng lại không thấy giảm. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất phải phù hợp với chỉ đạo chung của NHNN. "Tinh thần là các ngân hàng giảm chi phí đầu vào để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, kể cả dư nợ cũ cũng như cho vay mới. Và mỗi ngân hàng phải cố gắng xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp nhất", Phó Thống đốc lưu ý.
Thứ sáu, với công tác truyền thông, NHNN sẽ tập trung các chương trình truyền thông lớn, phía các ngân hàng cũng cần chủ động truyền thông các gói sản phẩm, chương trình của mình để người dân, DN được biết.
Phó Thống đốc cũng đề nghị các ngân hàng tiếp tục rà soát tình hình, đánh giá thực trạng khó khăn hiện nay, báo cáo kịp thời số liệu về tình hình kinh tế, khách hàng, dư nợ bị ảnh hưởng, kết quả triển khai... về NHNN theo quy định tại Chỉ thị 02.