Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
Phải hoàn thành liên kết Ví điện tử với tài khoản ngân hàng mới được kích hoạt sử dụng
Đáng chú ý, Dự thảo bổ sung cụ thể hồ sơ mở ví điện tử đối với cá nhân và tổ chức. Trong đó, đối với ví điện tử của cá nhân, yêu cầu hồ sơ phải có (i) Thông tin của cá nhân mở Ví điện tử và (ii) Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh của cá nhân mở Ví điện tử (đối với cá nhân là người nước ngoài).
Thông tin của cá nhân mở ví điện tử bao gồm: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch; số điện thoại (là số điện thoại khách hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử cho tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ liên kết với Ví điện tử tại ngân hàng); số căn cước công dân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp.
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo hồ sơ mở Ví điện tử của khách hàng đã đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ theo quy định; có biện pháp xác định khách hàng là người sử dụng số điện thoại đăng ký mở Ví điện tử; phải yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết Ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng mở tại ngân hàng tại Việt Nam trước khi kích hoạt Ví điện tử để khách hàng sử dụng.
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử và ngân hàng phải thỏa thuận về quy trình, cách thức liên kết Ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng.
Chỉ được nạp tiền vào ví điện tử bằng 2 cách, giới hạn mức giao dịch 20 triệu/ngày và 100 triệu/tháng
Dự thảo thông tư bổ sung thêm nhiều nội dung cụ thể về các quy định trong sử dụng Ví điện tử.
Cụ thể, đối với việc nạp tiền vào Ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ Ví điện tử) tại ngân hàng hoặc thông qua việc nhận tiền từ Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở.
Khách hàng được sử dụng Ví điện tử để chuyển tiền cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở; thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; rút tiền ra khỏi Ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng đã liên kết với Ví điện tử.
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải áp dụng các biện pháp phù hợp để xác thực các giao dịch của Ví điện tử;
Tổng hạn mức giao dịch của một Ví điện tử của cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ Ví điện tử sang Ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng trong một ngày và 100 triệu đồng trong một tháng. Đối với Ví điện tử của tổ chức, hạn mức này lần lượt là 100 triệu/ngày và 500 triệu/tháng.
Đơn vị cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được cấp tín dụng hay trả lãi trên số dư Ví điện tử
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép phát hành hơn 1 Ví điện tử cho 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử.
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải áp dụng các biện pháp xác thực cần thiết (bao gồm gặp mặt trực tiếp khách hàng hoặc các biện pháp phù hợp khác) nếu nghi ngờ khách hàng sử dụng các số điện thoại, tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ khác nhau để đăng ký mở nhiều hơn 1 Ví điện tử tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử;
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử cũng không được cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử.
NHNN sẽ giám sát tổng số Ví điện tử, tổng số dư của tất cả khách hàng
NHNN cũng yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải có công cụ để NHNN giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử. Công cụ giám sát phải đảm bảo cho phép giám sát tổng số Ví điện tử, tổng số dư Ví điện tử của tất cả khách hàng vào đầu ngày giao dịch và tại thời điểm truy cập.
Theo giải thích của NHNN, Dự thảo Thông tư quy định cụ thể về việc sử dụng Ví điện tử, hạn mức giao dịch đối với Ví điện tử của cá nhân và tổ chức là nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng Ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ Ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ.