Theo quyết định này, NHNN quy định, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam là 0,5%/năm; đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm; đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam là 0%/năm; đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm.
Theo quyết định của NHNN, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ giảm từ 0,05%/ năm xuống còn 0% (ảnh: SBV)
Các mức l ãi suất này giữ nguyên so với quyết định 1349/QĐ-NHNN ngày 6/8/2020. Riêng lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ giảm từ 0,05%/ năm xuống còn 0%.
Quyết định mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2021 và thay thế Quyết định 1349/QĐ-NHNN ngày 6/8/2020.
Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, NHNN có chính sách điều chỉnh lãi suất cụ thể trên toàn hệ thống.
Trước đó, gần nhất vào cuối tháng 7, NHNN đã có quyết định liên quan đến tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đó là giảm tỷ lệ này so với quy định trước đó, dành cho ngân hàng Agribank. Theo đó, Agribank đã được NHNN chấp thuận cho giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với VND, thời hạn từ tháng 8/2021 đến hết tháng 1/2022 đối với từng loại tiền gửi, cụ thể: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 1,5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc: Ngoài ra, tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng trở lên là 0,5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc. Trong khi đó, theo quy định, các ngân hàng vẫn giữ nguyên dự trữ bắt buộc 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng; 1% đối với khoản tiền gửi trên 12 tháng.
Điều này cũng khiến thị trường dấy lên đồn đoán là NHNN tiến tới có thể sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, tương tự như lựa chọn mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gần đây đã ban hành, song song với kế hoạch để bơm thêm hàng chục tỷ Nhân dân tệ vào hệ thống nhằm gia tăng thanh khoản hỗ trợ thị trường tài chính.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá với hệ thống ngân hàng Việt Nam, đang dồi dào thanh khoản và thị trường tài chính - tiền tệ ổn định, khả năng sử dụng nới lỏng tiền tệ thêm qua giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho toàn hệ thống sẽ không xảy ra. Riêng với quyết định điều chỉnh lãi suất cho lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ giảm từ 0,05%/ năm xuống còn 0%, trên thực tế, dưới góc nhìn của giới chuyên môn, không phải là biện pháp can thiệp nới lỏng tiền tệ . Bởi việc giảm lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc không giống như việc cắt giảm các loại lãi suất điều hành khác như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu... (giúp giảm chi phí đi vay của ngân hàng thương mại, qua đó giúp giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường). Một chuyên gia cho rằng quyết định này thông thường sẽ giúp giảm chi phí hoạt động cho NHNN và có thể khiến thu nhập của các ngân hàng thương mại từ tiền gửi dự trữ bắt buộc gửi bị giảm xuống. Và điều này được là phù hợp trong bối cảnh ngân hàng đang cho vay ra ít, trong khi lượng tiền gửi dồi dào, đặc biệt có thể là tiền gửi ngoại tệ - khoản nằm trong mục được điều chỉnh giảm lãi suất / vượt dự trữ bắt buộc kỳ này.
"NHNN mới đây đã trở lại cơ chế từ mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng sang cơ chế mua bán ngoại tệ theo ngày, cho thấy việc điều hành linh hoạt tỷ giá hối đoái đang khá hiệu quả và trở nên thoải mái so với thời kỳ trước khi bị Mỹ đặt trong tầm ngắm thao túng tiền tệ. Bên cạnh đó, có thể giai đoạn hiện nay, lượng tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống đang tăng lên do nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay ra, hấp thụ tín dụng ngoại tệ để kinh doanh hoặc người dân cũng chưa có nhu cầu hấp thụ nguồn ngoại tệ để phục vụ các mục đích du học, chữa bệnh… nước ngoài giữa bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát", một chuyên gia đánh giá.
Trên thực tế, một thống kê có tính dài hơi dựa vào các dữ liệu NHNN công bố và "loại suy", cho thấy tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ đã có xu hướng tăng lên từ năm 2015, thời điểm NHNN ban hành Quyết định 2589 khống chế trần lãi vay USD là 0%. Tỷ trọng này đạt mức cao nhất là 6,2% vào cuối năm 2020 và duy trì sang đến tháng 2/2021.
Theo quy định, lãi suất tiền gửi USD của cả tổ chức và cá nhân hiện là 0%/năm (ảnh: Internet)
Mặt khác, theo thống kê của CTCK Bản Việt (VCSC), trong tháng 7, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm do ước tính khoảng 3,5 tỷ USD được bán cho NHNN theo hợp đồng kỳ hạn 6 tháng vào tháng 1 đáo hạn, qua đó bơm vào hệ thống ngân hàng thêm khoảng 80 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 31/07/2021, lãi suất qua đêm và và 1 tuần lần lượt ở mức 0,74% (-20 điểm cơ bản MoM) và 0,91% (-23 điểm cơ bản MoM).
VCSC cũng dự báo và thực tế đã diễn ra khá sát của họ, là lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm trong tháng 8, với ước tính sẽ có khoảng 2,5 tỷ USD hợp đồng kỳ hạn 6 tháng bán USD cho NHNN sẽ đáo hạn và bơm khoảng gần 60 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.
Có thể nói là hệ thống ngân hàng đang có thanh khoản rất dồi dào và sẵn sàng cho việc thúc đẩy tín dụng. Việc điều chỉnh lãi suất trên dự trữ bắt buộc theo đó dường như vẫn nghiêng về ý nghĩa giảm áp lực chi phí của NHNN, hay nói cách khác là chia sẻ áp lực ngân sách nhiều hơn.
Dù vậy theo chuyên gia, với hầu hết các lãi suất vẫn được giữ nguyên, quyết định sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tín dụng hay lợi nhuận của các ngân hàng."Quyết định này vẫn có ý nghĩa nhất định trong định hướng giảm lãi suất điều hành nhằm phù hợp với diễn biến thị trường hiện nay; qua đó, có thể sẽ tác động đối với việc giảm loại lãi suất khác", chuyên gia nói.