Tại Hội nghị áp dụng nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bình ổn sản xuất, kinh doanh và kết nối vốn hậu Covid-19, được tổ chức chiều 17/4, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng và các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngành ngân hàng không thiếu tiền để cung vốn ra thị trường, quan trọng sức hấp thụ của nền kinh tế.
Hiện các ngân hàng đã đồng thuận rất cao để giảm 2% lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu cũng như các khoản vay mới. Tính đến nay, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng trên 300.000 tỷ đồng.
Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ đồng, cho vay mới với doanh số cho vay khoảng xấp xỉ 180.000 tỷ đồng.
Để làm được điều đó, ngành ngân hàng phải giảm chi phí, lương thưởng, thậm chí không chia cổ tức bằng tiền mặt để hỗ trợ phục hồi DN. Sau khi dịch được kiểm soát, kinh tế phục hồi quy mô vốn toàn ngành ngân hàng có thể lên đến 1 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết hiện nay lực hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm. Cho vay mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp xây dựng, nông nghiệp, y tế. Trong khi đó, dư nợ cho vay tại một số ngành như thương mại, du lịch, tiêu dùng, dịch vụ… giảm mạnh.
Đề cập tới vấn đề khó tiếp cận vốn ưu đãi trong thời gian vừa qua, vị đại diện này thừa nhận, NHNN nhận được nhiều phản hồi của các DN và Hiệp hội các ngành nghề về việc chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi của các ngân hàng.
Theo ông Hùng, hiện nay các ngân hàng không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp ở các khoản vay mới, mà còn rà soát, giảm lãi suất từ 0,5%-2% đối với các khoản dư nợ hiện hữu. Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế miễn giảm lãi, cơ cấu nợ và cho vay mới không thể tiến hành nhanh được. Bởi ngân hàng cũng phải xem xét DN có khả năng trả được nợ hay không. "Nếu DN không có tài sản đảm bảo, không có kế hoạch kinh doanh tốt và minh bạch dòng tiền thì không thể vay vốn, vì ngân hàng cũng phải huy động vốn của người dân. Nên các DN cần chia sẻ với ngành ngân hàng", ông Hùng cho hay.
Đề xuất giải pháp cho các DN không có tài sản đảm bảo mà vẫn vay được vốn, Vụ trưởng Vụ tín dụng cho rằng: "Nếu thiếu tài sản đảm bảo, DN để ngân hàng quản lý dòng tiền thì chắc chắn không ngân hàng nào không cho vay", ông Hùng khẳng định.
Cũng phải nói thêm rằng, hơn 300.000 tỷ đồng đã được "tung" ra để hỗ trợ DN là gói hỗ trợ của ngân hàng, chứ không phải gói chính sách. Các DN đã được đặc ân không bị chuyển nhóm nợ xấu mà vẫn được vay vốn.
"Kể cả sử dụng tiền ngân sách thì cũng phải thấy "cứu" được thì mới "cứu" chứ không phải cho vay tràn lan. Không phải chỉ DN lớn mới được hưởng, mà DN phải kiểm soát được dòng tiền, kể cả không có tài sản đảm bảo nhưng ngân hàng phải kiểm soát được dòng tiền", ông Hùng nhấn mạnh.