Kể từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đi các thị trường đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mặt hàng sầu riêng tươi đạt 2 tỷ USD, tăng gần 8 lần so với cùng kỳ 2022.
Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của sầu riêng Việt Nam với kim ngạch 1,97 tỷ USD, tăng 15 lần so với cùng kỳ năm trước. Kế tiếp là Czech chi 9,7 triệu USD mua sầu riêng Việt, tăng 28 lần. Czech cũng là quốc gia chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các quốc gia nhập khẩu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sầu riêng sang Pháp, Canada, Mỹ, Papua New Guinea lần lượt tăng 32% đến 8 lần.
Sầu riêng Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn các đối thủ là có quanh năm vì được ưu đãi bởi khi hậu và thổ nhưỡng, trong khi Thái Lan chỉ có theo vụ. Bên cạnh đó, chi phí logistics xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thấp hơn Thái Lan nên giá thành cạnh tranh.
Sầu riêng được biết đến là một loại trái cây nhiệt đới, có nguồn gốc từ Đông Nam Á, nổi tiếng với biệt danh là "vua của các loại trái cây ". Mặc dù hương vị của sầu riêng khá nặng và nồng, nhưng nó lại chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn hầu hết các loại trái cây khác. Sầu riêng là loại quả được trồng tại một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk dẫn số liệu cho biết đến nay nước ta có hơn 112.000 ha sầu riêng , với tổng sản lượng hiện nay khoảng 900 nghìn tấn. Cả nước có 34 tỉnh thuộc 6 vùng trồng sầu riêng (trừ vùng đồng bằng sông Hồng). Trong đó, 4 tỉnh có diện tích sầu riêng trên 10.000 ha và sản lượng trên 50.000tấn/năm gồm: Đắk Lắk 28.600 ha và sản lượng 190.000 tấn, Lâm Đồng 17.700 ha và sản lượng 106.000 tấn, Tiền Giang 17.700 ha và sản lượng 293.000 tấn và Đồng Nai 11.500 ha và sản lượng 69.000 tấn.
Việc vận chuyển sầu từ vùng trồng ở nước ta sang Trung Quốc gần, chỉ mất 1,5 ngày. Nhờ đó, sầu riêng đảm bảo tươi ngon, chi phí vận chuyển lại rẻ hơn so với Thái Lan (vận chuyển 6-8 ngày), Malaysia và Philippines.
Tuy không áp đảo về số lượng, nhưng sầu riêng Việt Nam lại có giá bán rất tốt khi cạnh tranh với các quốc gia khác từ Đông Nam Á (sầu riêng Philippines 27,6 NDT/kg, sầu riêng Thái Lan và sầu riêng Việt Nam lần lượt là 34,1 NDT/kg và 33,5 NDT/kg).
Dự kiến trong những năm tới, sầu riêng của Việt Nam vẫn giữ vững ngôi vị trái cây xuất khẩu tỷ USD và tiếp tục mở rộng chinh phục các thị trường lớn trên thế giới. Các chuyên gia dự báo trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục phụ thuộc vào Đông Nam Á cho sầu riêng .
Nếu sang năm 2024, sầu riêng Việt Nam có thêm nhiều mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp, khả năng xuất khẩu sầu riêng đạt con số 2 – 2,5 tỷ USD.