Trong 5 tháng đầu năm 2022, tình hình giải ngân đầu tư công gặp nhiều trở ngại, chưa đạt kế hoạch và kỳ vọng từ Chính phủ. Ghi nhận những năm trước, tỷ lệ giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm rơi vào khoảng 22 - 26%; măm nay tính đến 31/5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 22,4% – tương đương với cùng kỳ 22,1%. Kéo theo đó, thị trường bất động sản nhà ở trầm lắng, cộng với nguồn cung sơ cấp hạn chế khiến thị trường xây dựng càng trở nên khó khăn.
Dù vậy, tại báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định chủ trương thúc đẩy đầu tư công, hoàn thiện cơ sở hạ tầng sẽ là động lực lớn cho ngành bất động sản nửa cuối năm nói chung, và các doanh nghiệp nói riêng.
Trong đó, riêng Bộ GTVT đặt kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 là 50.327 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 5, khối lượng giải ngân của Bộ GTVT đạt 15.080 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch đã giao chi tiết. Theo Bộ GTVT, nguyên nhân chủ yếu gây chậm tiến độ do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng.
Dự kiến, cuối năm 2022 sẽ đưa vào sử dụng 4 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 với tổng chiều dài 361 km bao gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45 (63,4km); Cam Lộ - La Sơn (98,3km); Vĩnh Hão - Phan Thiết (100,8km); Phan Thiết - Dầu Giây (99km). Như vậy, cùng với đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã đưa vào sử dụng vào đầu năm nay, dự kiến 5/11 đoạn cao tốc Bắc Nam (Giai đoạn 1) sẽ hoàn thành trong năm nay. Theo tiến độ, 6 dự án còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong 2023.
Trong thông báo mới đây, CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) cũng nhấn mạnh tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tổng mức đầu tư 147.000 tỷ đồng cho 724 km.
"Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương hoàn thành đưa vào khai thác 361km cao tốc Bắc – Nam vào cuối năm 2022. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp nói chung, và HHV nói riêng với lợi thế từ tập đoàn mẹ là Đèo Cả. Trong đó HHV được thành lập từ năm 1974, là một thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Đèo Cả", báo cáo doanh nghiệp ghi.
Tính tới thời điểm hiện nay, HHV cho biết đã cùng Tập đoàn Đèo Cả hoàn thành nhiều dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng. Về lĩnh vực thi công xây lắp, HHV từ đầu năm trúng hơn 10 gói thầu với tổng giá trị gần 1.500 tỷ đồng, chủ yếu đến từ dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo và một số dự án đường ven biển qua các địa phương.
Bên cạnh đó, HHV đang quản lý, vận hành an toàn, thông suốt cho hơn 25km hầm đường bộ, hơn 265km đường cao tốc và đường Quốc lộ, cùng với quản lý 15 trạm thu phí dịch vụ sử dụng công trình giao thông.
Để chuẩn bị nguồn lực, HHV đã nộp hồ sơ trình lên UBCKNN xin chấp thuận phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phần được quyền mua 1 cổ phần mới), dự kiến trong 2 quý cuối năm sẽ thực hiện phương án này. Số tiền thu về dự kiến hơn 2.600 tỷ đồng sẽ được sử dụng để tiếp tục đầu tư vào các dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Trung Lương – Mỹ Thuận và các dự án hạ tầng giao thông lớn khác.
Với tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, lưu lượng giao thông đã ổn định trở lại, hàng loạt dự án đầu tư công sẽ được khởi công vào 2 quý cuối năm, HHV kì vọng trong 6 tháng cuối năm công ty sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng đáng kể về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kì năm 2021.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, HHV đạt 915 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, LNST nhận đạt 159 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2021. Lãnh đạo HHV cho biết, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn của biến động giá nguyên vật liệu tăng cao 30 – 40% theo giá dầu thế giới, đứt gãy các chuỗi cung ứng do dịch bệnh,… tuy nhiên Công ty vẫn quản trị tốt các mục tiêu sản xuất kinh doanh, các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh khi được thu hồi tốt, tiền và tương đương tiền tăng mạnh nhằm phòng thủ trong giai đoạn lạm phát, đảm bảo nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất giai đoạn cuối năm sắp tới.