Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa công bố cuộc thi tuyển quốc tế "Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM (Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức)". Theo đó, khu đô thị Thủ Thiêm ở Q.2 với quy hoạch chính là trung tâm tài chính kinh tế của thành phố, Khu công nghệ cao ở Q.9 là nơi sẽ thực hành những ý tưởng sáng tạo, và Khu Đại học Quốc gia ở Q.Thủ Đức là nơi ươm mầm cho ý tưởng, nghiên cứu khoa học, đào tạo quốc tế, quy tụ hàng nghìn sinh viên trên cả nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xây dựng, quy hoạch một đô thị, khu trung tâm tài chính, kinh tế tại khu vực phía đông thành phố sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị nơi đây, biến khu Đông trở thành một đô thị xứng tầm với các nước phát triển trong khu vực, đủ sức cạnh tranh với nhiều đô thị lớn trên thế giới.
Cùng với khu đô thị sáng tạo, một thông tin đáng chú ý là mới đây lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã ngồi lại với nhau bàn phương án triển khai xây dựng cầu Cát Lái, nối quận 2 của TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.200 tỷ đồng, cầu Cát Lái được đánh giá có ý nghĩa lớn trong chiến lược kết nối hạ tầng liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của khu Đông TPHCM.
Đặc biệt, trong chiến lược 3 năm tới, TP.HCM luôn ưu tiên thực hiện các dự án giao thông khu Đông, bao gồm đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú); cầu Thủ Thiêm 2; dự án 4 tuyến đường quanh Khu đô thị Thủ Thiêm; nút giao thông khác tại vòng xoay Mỹ Thủy - công trình trọng điểm về giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái.
Cùng với đó, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông, như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy), nâng cấp và mở rộng tuyến đường Tô Ngọc Vân kết nối từ đại lộ Phạm Văn Đồng đến Xa lộ Hà Nội...
Về loại hình vận tải khối lượng lớn hiện đại, theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, ngoài dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động dọc trục cửa ngõ phía Đông từ quận 1, Bình Thạnh đến quận 2, 9 và Thủ Đức vào năm 2020, tuyến này còn kết nối đến cả tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Đồng thời, tại khu cửa ngõ chính của TP.HCM, tuyến đường sắt đô thị số 3b (Ngã 6 Cộng Hòa - Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13 - Hiệp Bình Phước) cũng sẽ được hình thành trong tương lai. Trong tương lai tuyến này được định hướng kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ ga Hiệp Bình và đi dọc Quốc lộ 13, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh Bình Dương.
Sự đột phá mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng đã làm bộ mặt đô thị khu Đông hoàn toàn thay đổi diện mạo. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều có dự án lớn tại khu Đông. Điển hình Tập đoàn Vingroup với đại dự án tại quận 9, Đại Quang Minh với Khu đô thị Sa La, Tập đoàn Novaland, Khang Điền với loạt dự án ở quận 9…
Tại Hội thảo Xu hướng và cơ hội đầu tư Bất động sản 2019, các chuyên gia cho rằng năm 2019 và những năm tiếp theo, khu Đông sẽ là tâm điểm dẫn đắt thị trường bất động sản TP.HCM. Không chỉ hạ tầng, khu Đông còn là điểm thu hút dòng vốn FDI của TP.HCM. Các Tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hoa Kỳ… đã và đang rót vốn vào đây. Khu Đông vẫn nhiều dư địa phát triển. Thời gian tới, khu Đông vẫn có đầy đủ các yếu tố kích cầu thị trường bất động sản đi lên. Hạ tầng giao thông, dịch vụ với nguồn vốn đầu tư lớn đã và đang làm thay đổi bộ mặt đô thị khu Đông.
"Trong ngắn hạn, việc cấp phép dự án có thể diễn ra chậm hơn, đây là khó khăn chung của toàn thị trường. Tuy nhiên, bất động sản khu Đông sẽ có nhiều tín hiệu tích cực như: tuyến metro số 2 đi qua Thủ Thiêm sẽ tái khởi động; phân khúc cao cấp sẽ cho ra nhiều sản phẩm căn hộ có diện tích lớn hơn đáp ứng nhu cầu của khách hàng; người nước ngoài ngày càng quan tâm đến bất động sản Việt Nam và tôi tin các sản phẩm của khu Đông sẽ phù hợp với nhu cầu của họ hơn cả, bởi giá bán nhà ở Việt Nam rất vừa túi tiền khách ngoại rồi, vấn đề chủ yếu là chất lượng sản phẩm mà thôi…", bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định.