Grab là một ứng dụng được phát triển bởi 2 sinh viên tốt nghiệp Harvard người Malaysia vào 10 năm trước. Đến nay, Grab đã nằm trong top những công ty gọi xe và giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, việc Grab sắp niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq (Mỹ) là một cột mốc quan trọng đối với bối cảnh khởi nghiệp của Đông Nam Á.
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy khu vực này dần trở nên quan trọng trong ngành công nghệ ở châu Á, lĩnh vực mà cho đến nay vẫn được thống trị bởi Trung Quốc và Ấn Độ. Grab sẽ được định giá gần 40 tỷ USD sau thương vụ SPAC lớn nhất lịch sử.
Từ một ứng dụng gọi taxi ở Malaysia, Grab giờ đây đã trở thành startup có giá trị nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ứng dụng này dựa trên nguồn dữ liệu đám mây để cung cấp cho khách hàng các dịch vụ chia sẻ và gọi xe, giao thực phẩm và hàng tạp hóa, dịch vụ chuyển phát nhanh, thanh toán điện tử, nhắn tin, bảo hiểm và dịch vụ cho vay. Hiện có hơn 670 triệu người trên khắp 428 thành phố ở 8 quốc gia sử dụng Grab.
Điều này cho thấy quy mô của Grab càng ngày càng phát triển và dần dần thu hút được sự chú ý bởi đông đảo các nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế. Hành trình phát triển của Grab rất đáng chú ý, bởi doanh nghiệp này là một ví dụ tiêu biểu chứng minh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp startup Đông Nam Á đang dần có chỗ đứng trên thế giới.
Thị phần của Grab trong lĩnh vực giao đồ ăn năm 2020 ở Đông Nam Á
Số lượng các 'kỳ lân' Đông Nam Á được niêm yết trên thị trường ngày càng tăng
Tiếp nối sự thành công của Grab, hai hãng "kỳ lân" công nghệ giá trị nhất của Indonesia đó là ứng dụng gọi xe Gojek và gã khổng lồ thương mại điện tử Tokopedia hợp nhất để tạo ra GoTo - công ty internet lớn nhất Indonesia. Đồng thời, doanh nghiệp này dự kiến sẽ niêm yết ở sở giao dịch chứng khoán Indonesia và sẽ phát hành ra cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở New York vào năm sau.
Gojek có hướng phát triển tương tự như Grab - bắt đầu như một ứng gọi xe đơn giản và sau đó mở rộng quy mô sang các loại hình dịch vụ khác. Kết quả, doanh nghiệp này đã phát triển thành một siêu ứng dụng với 125 triệu lượt tải xuống – chiếm gần một nửa dân số Indonesia.
Sau khi sáp nhập, giá trị GoTo được định giá sẽ lên đến 40 tỷ USD. Điều này cho thấy đây sẽ là một doanh nghiệp đáng gờm, với hơn 2 triệu tài xế và hơn 11 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực. Việc sáp nhập này thậm chí có thể thách thức SEA – một công ty niêm yết của Singapore có giá trị nhất ở Đông Nam Á.
Mặt khác, nền tảng đặt vé du lịch trực tuyến Traveloka của Indonesia cùng với công ty bất động sản trực tuyến PropertyGuru của Singapore đang trong quá trình đàm phán để IPO ở Mỹ.
Thị trường hoạt động được mở rộng
Điều đáng kinh ngạc của các startup Đông Nam Á đó là khả năng thâm nhập vào các thị trường với những nền văn hóa khác nhau. Các doanh nghiệp này liên tục đổi mới và phát triển các loại hình sản phẩm nhằm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Số lượng người sử dụng các ứng dụng cũng ngày càng tăng. Kể cả những người trước giờ chưa biết đến loại hình dịch vụ này, nay cũng đã bắt đầu kết nối và trải nghiệm chúng.
Khi số lượng các cá nhân, tổ chức ngày một nhiều hơn, điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp lớn như Grab và Gojek đang mang lại thu nhập cho hàng triệu người bán, người đi xe, tài xế cũng như sự tiện lợi cho người mua sắm bằng cách trải nghiệm các dịch vụ công nghệ. Điều này góp phần hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng quy mô kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của người tiêu dùng.
Từng bước thành công trong kỷ nguyên kỹ thuật số
Loạt startup này ra đời với mục đích ứng dụng kỹ thuật số, do vậy khả năng thích ứng và xoay chuyển nhanh chóng với sự chuyển đổi không ngừng sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho những biến cố bất ngờ.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm, làm việc, giao hàng, giáo dục, giải trí hoàn toàn trực tuyến. Đây chính là sự đổi mới trong lĩnh vực công nghệ, khuyến khích mọi người chuyển sang các sử dụng các ứng dụng số trong thời gian giãn cách xã hội.
Các công ty start-up như Gojek, Grab,
Tokopedia và Traveloka đã góp phần giúp những người thiếu việc kiếm được thu nhập. Mặt khác, những doanh nghiệp này đã mang nguồn dữ liệu khổng lồ đến trực tiếp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp cho mọi người khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, du lịch và vận tải...Theo ông Phil Davis, giám đốc điều hành của Amazon Web Services (AWS) tại châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ), các doanh nghiệp ứng dụng số có thể liên tục phát triển và lớn mạnh, thay đổi phù hợp với các sự kiện trên thế giới.
"Với sự nhanh nhạy, các startup như Grab hay Gojek đã cho thế giới thấy rằng khu vực Đông Nam Á giờ đây không chỉ là trung tâm sản xuất, du lịch và nông nghiệp, mà đang và sẽ trở thành một khu vực công nghệ tiên tiến và đổi mới".