Theo báo cáo Bộ Công Thương, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến tỷ giá giữa các đồng tiền biến động, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam bị cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn tới ảnh hưởng các đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may. Không chỉ việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc (chiếm 60%) cắt giảm lượng nhập hàng mà mặt hàng may mặc cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng. Tâm lý chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị “chia nhỏ” thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước.
Báo cáo của Chứng khoán VNDirect cho biết xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam giảm tốc trong 9 tháng qua khi đạt 24,9 tỷ USD, tăng 9,6%, thấp hơn mức tăng 16,5% cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đang chậm lại do sự thiếu hụt của các đơn hàng và sự ổn định của tiền đồng so với USD từ đầu năm đến nay làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp dệt may niêm yết ghi nhận kết quả kém khả quan trong 9 tháng với tổng doanh thu giảm 1,6% so cùng cùng kỳ, lợi nhuận giảm 13,8%. Hơn một nửa các doanh nghiệp dệt may niêm yết lớn theo quan sát của VNDirect có mức tăng trưởng âm. Nguyên nhân là số lượng, quy mô các đơn đặt hàng giảm xuống và biên lợi nhuận gộp giảm vì giá bán trung bình thấp hơn, đặc biệt là các nhà sản xuất sợi nguyên sinh.
Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) báo lợi nhuận sau thuế quý III giảm 13% xuống 186 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng lãi sau thuế giảm 20% về 534 tỷ đồng. Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) biên lãi gộp giảm từ 17,5% xuống 15,4%, lãi sau thuế 9 tháng giảm 28% về 154 tỷ đồng. Dệt may Hà Nội (UPCoM: HSM) bị lỗ thuần hoạt động kinh doanh 25,5 tỷ đồng trong 9 tháng qua.
Dù vậy, Công ty đầu tư và thương mại TNG (HNX: TNG) lại ghi nhận kết quả khả quan, doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trong các quý qua. Lũy kế 10 tháng, doanh thu TNG đạt 3.971 tỷ đồng và lãi sau thuế 196 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 32% so cùng kỳ.
Chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch TNG kiêm Tổng giám đốc TNG, ông Nguyễn Văn Thời tiết lộ với đơn hàng đã nhận, công ty có thể đạt doanh thu 4.500 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch và tăng 25% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cả năm ước đạt 220 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch và tăng 22% so với năm trước.
Ông Thời cho biết trong bối cảnh chiến tranh thương mại, nhiều doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng nhưng TNG đã đủ đơn hàng cho cả năm 2020 là nhờ chiến lược phát triển bền vững. Công ty kiên trì theo đuổi chiến lược này nhiều năm nay và được cấp chứng nhận 4 năm liền nằm trong tốp 10 doanh nghiệp phát triển bền vững. Các doanh nghiệp bền vững không những phải đáp ứng tiêu chuẩn về kinh tế như nhà xưởng, máy móc thiết bị hiện đại, tăng năng suất lao động; vấn đề xã hội như chính sách cho người lao động, không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa doanh nghiệp; mà còn đảm bảo tuân thủ pháp luật và bảo vệ môi trường. Đây là những yêu cầu khắt khe của khách hàng.
Thực tế tổng cầu vẫn không thay đổi mà chỉ cơ cấu vào một số đối tượng phù hợp tiêu chuẩn. Chính vì trong khi các doanh nghiệp dệt may khác thiếu hụt đơn hàng, khách hàng tìm đến TNG ngày càng nhiều, một số khách hàng còn yêu cầu TNG tăng công xuất.
Từ đầu năm, TNG đã tiến hành cơ cấu lại khách hàng, tập trung vào các khách hàng lớn có thương hiệu và uy tín như Decathlon, Nike, Costco, Levis, The Children’s Place… Đặc biệt với khách hàng Calvin Klein, đơn vị đã có thể cung ứng được đơn hàng ODM (thiết kế, tạo ra sản phẩm theo chỉ định của khách hàng).
Song song với đó, công ty cũng chú trọng đến công tác quản trị đến từng bộ phận, nhà máy trực thuộc cũng như cải tiến máy móc để tăng năng xuất và tiết kiệm chi phí. TNG đang làm đề án quản trị hàng tồn kho bằng cách ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua một phần mềm đo được thời gian của từng vật tư nằm tại kho. Chi phí nguyên vật liệu chiếm 50% giá thành nên giảm được một phần nhỏ cũng có thể giúp công ty tăng lợi nhuận lên rất nhiều.