Tổng Công ty Lương thực miền Nam - CTCP (Vinafood 2, VSF) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2019 với doanh thu thuần đạt 4.171,5 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán vẫn chiếm tỷ trọng rất cao ở mức 3.861 tỷ đồng, chiếm gần 93% tổng doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 310 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ đạt 19,7 tỷ đồng, song chi phí tài chính phát sinh lên 48 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng khá cao, ở mức 304 tỷ đồng, gần bằng với lợi nhuận gộp. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 trong kỳ vẫn âm hơn 21 tỷ đồng.
Tuy vậy, nhờ có khoản lợi nhuận khác hơn 38 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của Vinafood 2 mới dương 13,7 tỷ đồng trong quý 3/2019.
Mặc dù trong quý 1/2019 Công ty có lãi 16,3 tỷ đồng, song ở quý 2/2019 lại ghi nhận khoản lỗ lên tới 91,5 tỷ đồng. Kết quả, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Vinafood 2 vẫn âm hơn 59 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ là do tình hình giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm luôn trong tình trạng trầm lắng và tiêu thụ nội địa cũng chậm. Trong khi đó, nhu cầu mua rất yếu, giá chào người mua đưa ra rất thấp so với giá thành sản xuất khiến sản lượng gạo bán ra ít, lợi nhuận tạo ra không đủ bù đắp chi phí cố định.
Tính đến hết quý 3, tổng tài sản của Vinafood 2 giảm đáng kể, chỉ còn 8.322 tỷ đồng, so với mức 8.892 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2019. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.274 tỷ đồng trên vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, trong đó ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến gần 2.043 tỷ đồng, tăng 78 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Hàng tồn kho tính đến cuối kỳ đã giảm 500 tỷ đồng so với hồi đầu kỳ, ghi nhận 2.318 tỷ đồng. Nợ phải trả tuy đã giảm so với đầu năm nhưng vẫn chiếm tới 61% tổng tài sản, ghi nhận 5.048 tỷ đồng trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn đạt 2.837 tỷ đồng và phải trả dài hạn khác gần 1.167 tỷ đồng.
Vinafood 2 là một trong những doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV chính thức sang hình thức công ty cổ phần từ ngày 9/10/2018, với 2 cổ đông chính là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T nắm giữ 25%. Tuy nhiên, sau một năm chuyển đổi hình thức hoạt động, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty này vẫn chưa được cải thiện.
Trên thị trường, cổ phiếu VSF đang giao dịch quanh mức 6.900 đồng/cp, giảm 37% so với mức giá đóng cửa 10.900 đồng/cp phiên giao dịch đầu tiên 23/04/2018.