Ngoài việc là một sản phẩm giúp giữ ẩm và làm dịu da hiệu quả, mặt nạ còn có khả năng tạo nên khối tài sản trị giá hàng tỷ USD cho doanh nhân đến từ Hàn Quốc, ông Kim Jung-woong.
Trong bối cảnh việc chăm sóc da ngày càng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc, một số doanh nhân tại quốc gia này đã giàu lên và tích lũy được khối tài sản đáng kể từ xu hướng làm đẹp của người tiêu dùng. Không những vậy, thị trường tiềm năng tại đây cũng thu hút sự chú ý của các ngân hàng và nhà sản xuất mỹ phẩm lớn trên khắp thế giới.
Tháng 10 năm ngoái, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs Group Inc. đã mua 5% cổ phần công ty mỹ phẩm chuyên sản xuất kem dưỡng, son môi và các sản phẩm làm đẹp khác GP Club Co. Ltd. của Kim Jung-woong trong thỏa thuận trị giá 67 triệu USD. Nhờ đó, định giá của công ty đạt mức 1,3 tỷ USD. Ông Kim và gia đình của mình sở hữu 95% còn lại.
Son Moon-ho, Giám đốc điều hành GP Club cho biết Goldman Sachs nói rằng họ đã theo dõi thị trường mỹ phẩm tại Hàn Quốc với sự quan tâm sâu sắc. Còn đại diện của ngân hàng đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Goldman Sachs không phải đơn vị duy nhất đầu tư vào thị trường mỹ phẩm của xứ sở kim chi. Năm 2017, Unilever đã chi 2,6 tỷ USD để mua lại phần lớn nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc da Carver Korea. Tháng 10/2018, ngân hàng đầu tư Credit Suisse của Thụy Sỹ đã mua khoảng 3% cổ phần của nhà sản xuất mặt nạ L&P Cosmetic với giá 35,6 triệu USD.
Theo Cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc, nước này hiện là nhà xuất khẩu mỹ phẩm lớn thứ 6 trên thế giới và ghi nhận 4,6 tỷ USD xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân một phần là do nhu cầu có xu hướng tăng từ Trung Quốc.
Kim Jung-woong bắt đầu sự nghiệp từ việc bán mỹ phẩm cho các nhà bán buôn ở Trung Quốc và sau đó thành lập thương hiệu mang tên JM Solution năm 2016. Doanh nghiệp của ông đã trở nên phổ biến trên nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Alibaba là Taobao.
Một cửa hàng của JM Solution tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị đã ảnh hưởng đến thị trường làm đẹp tại Hàn Quốc.
Năm 2017, Hàn Quốc cho phép quân đội Mỹ cài đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để chống lại mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Bắc Kinh cho rằng đây là một động thái đi ngược lại lợi ích an ninh của họ và các cơ quan báo chí Trung Quốc đã kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Hàn Quốc.
Trước sức nóng của những căng thẳng này, Kim Jung-woong đã tận dụng vị thế là một thương hiệu nhỏ và mới tham gia vào thị trường. Theo Son Moon-ho, hãng chịu ít tác động hơn các thương hiệu lớn và thực hiện chiến lược mở rộng các kênh bán hàng trong khi đối thủ đang chững lại.
Công ty giới thiệu sản phẩm mặt nạ mới và mở rộng sang các cửa hàng miễn thuế ở Hàn Quốc. Giá thành rẻ hơn đã thu hút đông đảo những người mua sản phẩm cho khách hàng ở Trung Quốc đại lục, nơi hàng hóa nước ngoài bị hạn chế và có giá cao hơn.
Doanh số của GP Club tăng lên 9,5 triệu miếng mặt nạ vào tháng 12/2017 và đạt mức kỷ lục 100 triệu miếng vào tháng 8/2018. Doanh thu của hãng tăng từ 50 tỷ won trong cả năm 2017 lên 300 tỷ won chỉ trong nửa đầu năm ngoái. Những con số ấn tượng này đã khiến Goldman Sachs chú ý và đầu tư vào công ty của Kim.
Số lượng tỷ phú tự thân ở Hàn Quốc không nhiều. Theo Bloomberg, trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới, chỉ có 2 trong số 7 người Hàn Quốc là tỷ phú tự thân. Các tập đoàn kinh doanh do gia đình điều hành đã đa dạng hóa nhiều ngành công nghiệp và gần như không có chỗ cho các đối thủ cạnh tranh đơn lẻ khác. Tuy nhiên, ngành công nghiệp mỹ phẩm lại là một ngoại lệ.
Tại sân bay quốc tế Incheon, một trong những điều đầu tiên thu hút sự chú ý của du khách là hàng loạt màn hình TV kích thước lớn quảng cáo sản phẩm của các công ty mỹ phẩm ít được biết đến hơn là những tập đoàn hay thương hiệu lớn.