Diego Pozo Cordova, sống ở Chiclayo – một tỉnh phía Bắc Peru, muốn mua một chiếc Macbook Air với giá 600 đô la Mỹ từ Mỹ trước tháng 3.2018. Anh sẵn lòng trả 40 đô la Mỹ cho một ai đó có thể mua và mang hộ mình sản phẩm từ Mỹ về Chiclayo. Yêu cầu được anh gửi đi từ đầu năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Không có nhiều người có lịch trình di chuyển thuận tiện cho việc vận chuyển đó.
Gradenia Zuniga, sống ở Mỹ, đã 12 lần là người vận chuyển hàng hóa giúp những người xa lạ trên khắp thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, các nước châu Mỹ…, trong các chuyến đi du lịch của mình. Cô cho biết mỗi cuộc gặp với những người mua hàng đều mang lại cho mình những trải nghiệm thú vị, với những cái ôm ấm áp. Cô thậm chí có những người bạn mới, dẫn cô đến những địa danh du lịch của địa phương, ở một đất nước cô chưa từng đến.
Grabr (Grab và thêm chữ 'r' ở cuối) ra đời để kết nối những người như Diego và Zuniga, người đặt hàng (shopper) và người mua hàng hộ (traveller).
Đến nay, ứng dụng Grabr đã có thể tải trực tiếp về các thiết bị di động. Tuy nhiên, Grabr chạy chưa thực sự mượt, và bị đánh giá ở mức điểm 3,3/5. Mất kết nối là lỗi thường gặp nhất của ứng dụng này.
Trên ứng dụng Grabr ở điện thoại di động, các đơn hàng vẫn liên tục được đặt, mỗi phút. Lịch trình đi lại của những người mang hàng cũng được cập nhật với tốc độ không thua kém.
Ra đời từ năm 2016, Grabr có mô hình hoạt động gần giống các ứng dụng chia sẻ khác như Uber, Grab hay Airbnb. Thông tin từ Grabr cho biết mạng lưới đã thu hút hơn 425 nghìn thành viên và số tiền thu về từ tiền vận chuyển hàng hóa từ Mỹ đi 54 quốc gia khác đạt trên 1 triệu đô la Mỹ.
Cuối tháng 7.2017, Grabr đã thành công trong việc gọi 2,7 triệu đô la Mỹ từ quỹ chuyên đầu tư cho các startup SignalFire. Số tiền được Grabr cho biết sẽ dùng để phát triển mạng lưới traveller.
Với ứng dụng Grabr, người mang hàng là người trả tiền trước cho món hàng cần mua, tựa như bỏ tiền ra mua hộ món hàng cho người mua. Sau đó người đặt hàng sẽ thanh toán cho người mang hàng kèm theo phí. Grabr ở giữa sẽ thu số tiền 7% cho mỗi đơn hàng được vận chuyển. Cũng như các ứng dụng khác, khi hoàn tất giao dịch, người dùng từ cả hai phía sẽ đánh giá người còn lại dựa trên thái độ, chất lượng dịch vụ. Về khía cạnh này, Grabr tương đối giống Uber, Grab hay Airbnb.
Với Grabr, những người đặt hàng được hưởng nhiều thuận tiện nhất khi có người mua hộ sản phẩm với phương thức vận chuyển thân thiện. Tuy nhiên, mạng lưới người mang hàng mới quyết định mức độ lan tỏa và thành công của mô hình này.
Làn sóng khách du lịch, đặc biệt là từ Mỹ đi khắp thế giới được đánh giá là một tiềm năng cho mô hình hoạt động của Grabr.
Thương mại điện tử cho dù đang len lỏi vào khắp các ngõ ngách, thì việc mua hàng vẫn chưa thực sự thuận tiện, đặc biệt với những nước có thu nhập thấp hay tỷ lệ gian lận thương mại cao. Amazon, trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới hiện vẫn từ chối vận chuyển trực tiếp nhiều mặt hàng đến các quốc gia như Việt Nam. Để mua một sản phẩm, ví dụ kindle (máy đọc sách), người tiêu dùng Việt Nam hoặc mua qua các tổ chức trung gian chuyên mua hộ ở Việt Nam, hoặc nhờ người mua hộ từ Mỹ hoặc các quốc gia khác (xách tay). Amazon không chuyển trực tiếp sản phẩm này về Việt Nam.
Ngay cả với một số sản phẩm Amazon đồng ý vận chuyển trực tiếp về Việt Nam, người mua phải trực tiếp đến nhận từ cửa khẩu hải quan và làm các thủ tục với mức phí khá cao, dựa trên mức giá từng món hàng, Hoa Phạm, người chuyên mua hàng từ Amazon cho biết. Các tổ chức trung gian chuyên mua hộ thông thường sẽ đặt mua từ các hãng, vận chuyển thẳng đến một công ty vận tải, ví dụ CargoExpress và công ty này sẽ chuyển về Việt Nam. Thời gian từ lúc đặt hàng đến khi nhận hàng khoảng 2-3 tuần.
Các loại tai nghe với mức giá từ 20 đến 400 đô la Mỹ đang là loại sản phẩm được ưa chuộng nhất trên mạng lưới của Grabr. Đây là các sản phẩm có khối lượng kích thước tương đối nhỏ, gọn, thuận tiện cho việc “xách hộ”. Các sản phẩm công nghệ như máy tính, đồng hồ với mức giá hàng nghìn đô la Mỹ cũng nhận được nhiều yêu cầu đặt mua từ các shopper.
Hiện Buenos Aires (Tây Ban Nha) là thành phố nhận được nhiều đơn hàng nhất với mức phí các traveller thu về đạt trên 1,3 triệu đô la Mỹ. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 7 với mức phí thu về của người mang hàng đạt trên 41.000 đô la Mỹ. Khác với Buenos Aires, số lượng người mang hàng sẵn sàng vận chuyển hàng từ Mỹ về thành phố Hồ Chí Minh cao hơn gấp rưỡi số lượng các đơn đặt hàng.
Mức phí thông thường được đưa ra từ 15-20% giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn có các đơn hàng mức phí đưa ra thậm chí cao hơn giá trị đơn hàng, có khi lên tới hàng nghìn đô la Mỹ.
Không phải mức giá, sự kết nối, tốc độ vận chuyển đang là điểm hấp dẫn của Grabr so với các hình thức mua hàng truyền thống.