Ứng dụng Shein của hãng bán lẻ thời trang Trung Quốc vừa mới vượt mặt Amazon để trở thành ứng dụng mua sắm được tải nhiều nhất ở Mỹ trong năm nay.
Không những thế, theo báo cáo của Euromonitor, giờ đây họ là công ty thời trang online lớn nhất thế giới, cũng như đang định nghĩa lại ngành công nghiệp thời trang ăn liền bằng cách cắt giảm thời gian sản xuất xuống chỉ còn 1 tuần và trung bình bổ sung thêm khoảng 3.000 mẫu mới mỗi tuần với mức giá thấp hơn đáng kể so với đối thủ cạnh tranh.
Theo hãng Coresight Research, doanh thu của hãng này ước đạt 10 tỷ USD trong năm 2020 – tương đương mức tăng 250% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các đối thủ của họ trong lĩnh vực thời trang trực tuyến – Asos và Boohoo – chỉ đạt khoảng 4,4 tỷ USD và 2,4 tỷ USD doanh thu trong năm 2020.
Tại sao công ty bí ẩn này của Trung Quốc lại đạt được thành công đáng kinh ngạc như vậy?
Được thành lập từ năm 2008 bởi Chris Xu. Với nền tảng là kinh nghiệm làm việc trong hoạt động tiếp thị và tối ưu từ khóa tìm kiếm, Xu bắt đầu chuyển hướng sang bán váy trực tuyến. Năm 2012, anh ta bắt đầu đa dạng hóa sản phẩm sang quần áo nữ và sau đó đổi tên thương hiệu thành Shein.
Hiện tại Shein đang cung cấp sản phẩm của mình cho cả nam nữ và trẻ nhỏ tới 220 quốc gia trên toàn thế giới.
Một phần trong thành công ngày nay của Shein là nhờ vào mô hình thời trang theo nhu cầu của người dùng. Các sản phẩm mới chỉ được tạo ra với khối lượng nhỏ (khoảng 100 đơn vị sản phẩm) và việc sản xuất chỉ được tăng cường đối với mẫu quần áo nào được ưa chuộng.
Điều này giúp công ty giảm lượng vải lãng phí từ các sản phẩm tồn kho với số lượng lớn, do không được khách hàng đón nhận.
Các thuật toán và khoa học dữ liệu là các công cụ đắc lực giúp họ xác định được xu hướng thời trang mới. Theo Coresight, trung bình Shein bổ sung thêm 2.800 mẫu quần áo mới lên website của họ vào mỗi tuần.
Trong khi đó đối thủ tại Anh của họ, Boohoo chỉ bổ sung khoảng 500 mẫu mới cho mỗi tuần lên website.
Số lượng sản phẩm mới được hiển thị trên website công ty
Tốc độ xuất xưởng nhanh đến vậy là nhờ vào hệ thống chuỗi cung ứng độc đáo của họ. Xu tạo ra được mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác của mình ngay từ đầu bằng một cách rất đơn giản – trả tiền đúng hạn.
Đổi lại, các nhà máy phải sử dụng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng của Shein, nhằm cho phép công ty giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất và chia sẻ theo thời gian thực về dữ liệu tìm kiếm của khách hàng với các nhà cung cấp để hướng dẫn thiết kế và sản xuất.
Khách hàng đến cửa hàng của Shein tại London vào năm 2019
Theo Bloomberg, các nhà cung cấp phải nằm trong phạm vi 5 giờ lái xe từ trung tâm của công ty tại Quảng Châu. Họ cũng phải có khả năng hoàn thành thiết kế và quá trình sản xuất trong khoảng 10 ngày.
Đây là tốc độ nhanh hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh, kể cả người khổng lồ bán lẻ quần áo Zara – vốn thường phải mất 5 tuần để có được sản phẩm.
Giá rẻ cũng đóng góp một phần đáng kể vào thành công của họ. Nó "thấp đến kỳ lạ" – theo lời ông Erin Schmidt, nhà phân tích cấp cao tại Coresight Research, cho biết. Các món phụ kiện có giá khởi điểm chỉ từ 1 USD và bạn còn có thể kiếm được những chiếc váy có giá chưa đến 10 USD.
Kết hợp mức giá rẻ là chiến lược tiếp thị 0 đồng của họ thông qua các mạng xã hội như TikTok và Instagram. Các video được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội này đã tạo thành những trào lưu cho các tín đồ mua sắm trực tuyến, thường là giới tuổi teen. Ví dụ các video cho biết bạn có thể mua được bao nhiêu món với 100 USD.
Hiện Shein có khoảng 21,4 triệu người theo dõi trên Instagram và 2,4 triệu người theo dõi trên TikTok. Bên cạnh đó, công ty còn hợp tác với những người nổi tiếng để quảng bá thương hiệu này trên mạng xã hội.
Năm 2020, Katy Perry là một trong những người nổi tiếng biểu diễn trong chương trình thời trang ảo của Shein
Tuy vậy, quá trình thiết kế dựa trên thuật toán của Shein cũng dẫn đến những rủi ro lớn trong quá khứ. Trong năm nay, hãng gây ra các tranh cãi khi ra mắt vòng cổ có biểu tượng chữ Vạn. Nhiều người cho rằng đây là biểu tượng chữ Thập ngoặc của Phát xít, nhưng hãng cho rằng đó là một biểu tượng của Phật giáo.
Vòng đeo cổ mang biểu tượng chữ Vạn gây tranh cãi của Shein
Một sản phẩm khác từng bị chỉ trích là tấm thảm cầu nguyện của Hồi giáo, nó được trang web của công ty đưa vào mục "thảm trang trí". Sau đó, Shein đã phải đăng tải lời xin lỗi trên Instagram của mình cũng như loại bỏ sản phẩm này ra khỏi trang web.
Tham khảo Business Insider