Nhóm cổ phiếu bảo hiểm hôm nay dậy sóng, hàng loạt mã đều tăng tốt. Trong đó, có hai cổ phiếu tăng trần là MIG (+6,87%) lên 24.900 đồng/cp và BIC (+6,93%) lên 31.650 đồng/cp. Một số cổ phiếu khác có mức tăng tốt là BMI (+6,02%), PVI (+2,62%), BVH (+4,28%), PGI (+4,74%), VNR (+3,68%), …. Riêng cổ phiếu PTI trước phiên ATC vẫn đang ở mức giá 63.900 đồng/cp, tăng hơn 3% nhưng sau phiên ATC giá PTI sụt giảm chỉ còn 60.600 đồng/cp giảm 2,3%.
Giá cổ phiếu bảo hiểm tăng trong bối cảnh mối lo lạm phát ngày càng tăng cao, khi đó cổ phiếu bảo hiểm là một lựa chọn khá an toàn.
Vào ngày 15/3 gần đây, tại buổi tọa đàm "Nhận diện cơ hội Thị trường chứng khoán năm 2022", do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS đã chia sẻ về chiến lược đầu tư năm 2022.
Ông Khánh cho biết, năm 2022 sẽ là một năm tương đối khó khăn cho thị trường chứng khoán. Điều này xuất phát từ các yếu tố như Covid, chu kỳ giá hàng hóa, lạm phát tăng cao và việc FED tăng lãi suất. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố lạm phát.
Theo ông, lạm phát tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã lên mức cao nhất trong vòng 20-30 năm trở lại đây. Tuy lạm phát vẫn chưa ảnh hưởng ngay đến khu vực châu Á nhưng nó sẽ hiện hữu tại khu vực này trong tương lai gần. "Mối lo ngại về lạm phát sẽ gia tăng từ quý 2, quý 3 là điều mà ta phải hết sức lưu ý".
Với tình hình trong nước, ông Khánh cho rằng lạm phát thế giới cùng giá dầu gia tăng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế và đà tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Về việc lựa chọn các cổ phiếu trong môi trường lạm phát, ông Lê Đức Khánh cho biết, "Nhóm cổ phiếu bảo hiểm là nhóm chống chịu rất nhiều với việc lạm phát, kể cả môi trường lãi suất gia tăng".
Vị tỷ phú chứng khoán người Mỹ, Warren Buffet gần đây cũng đã tiết lộ trong thư gửi cổ đông Berkshire Hathaway rằng ông đã đầu tư 147 tỷ USD vào cổ phiếu bảo hiểm và sẽ gia tăng trong thời gian tới vì lạm phát.
Ngoài ra, trong tháng 8/2021, tỷ lệ sở hữu nước ngoài FOL đối với ngành Bảo hiểm đã được năng lên 100%. Động thái này đã gỡ bỏ khó khăn của nhiều công ty bảo hiểm trong những năm qua khi có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như CTCP Bảo Minh (BMI), CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), CTCP Bảo hiểm Petrolimea (PGI). Sau đó, một số công ty đã báo cáo về việc điều chỉnh tỷ lệ FOL với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) lên 100% như PTI, CTCP PVI, CTCP Tái Bảo hiểm PVI (PRE). Còn Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng điều chỉnh tỷ lệ FOL lên 49%.