Thị trường giao dịch có phần tiêu cực hơn vào gần cuối phiên, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường đã đánh mất đi sự hưng phấn và thu hẹp đáng kể đà tăng thậm chí nhiều cổ phiếu còn lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Gây áp lực lớn nhất lên thị trường phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu dầu khí. Đà giảm của các cổ phiếu như GAS, PVS, PVD, PVC… vẫn được nới rộng hơn. Khép phiên giao dịch, GAS giảm 2,3% xuống 130.000 đồng/CP. PVS giảm 6,2% xuống 19.700 đồng/CP và khớp lệnh trên 7,6 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, các mã như MSN, SAB, VJC, VCB… cũng giảm tương đối mạnh. MSN giảm 2,7% xuống 110.000 đồng/CP. SAB giảm 1,3% xuống 226.000 đồng/CP.
Trong khi đó, mặc dù nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh nhưng VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh nhờ vào lực đỡ của một số mã trụ cột như VIC, VNM, KDC… Trong đó, VIC tăng mạnh 4,3% lên 127.500 đồng/CP. VNM tăng 3,3% lên 200.000 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG giảm 2% xuống 6.300 đồng/CP. HOSE mới đây đã công bố việc HAG bị thêm vào danh sách không được giao dịch ký quỹ do BCTC hợp nhất kiểm toán 2017 của công ty này có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức khá cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 303 triệu cổ phiếu, trị giá trên 9.700 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khoảng trên 2,700 tỷ đồng. Các cổ phiếu ngân hàng là BID, CTG và MBB có giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn. Trong đó, MBB thỏa thuận hơn 2,2 triệu cổ phiếu, trị giá 86,5 tỷ đồng và do khối ngoại trao tay nhau. Tương tự, CTG cũng được khối ngoại thỏa thuận gần 5,1 triệu cổ phiếu, trị giá 184 tỷ đồng. BID là 2,8 triệu cổ phiếu, trị giá 126,8 tỷ đồng. Ngoài ra, VJC và VRE cũng có giao dịch thỏa thuận rất lớn. VJC thỏa thuận 4,3 triệu cổ phiếu, trị giá 925,6 tỷ đồng. VRE là 4 triệu cổ phiếu, trị giá 200 tỷ đồng.
Kết thúc phiên, VN-Index tăng 3,25 điểm (0,27%) lên 1.191,54 điểm. Toàn sàn có 167 mã tăng, 130 mã giảm và 44 mã đứng giá.
HNX-Index gảm 0,3 điểm (-0,22%) xuống 135,32 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 91 mã giảm và 56 mã đứng giá.
Thị trường về cuối phiên sáng đã có sự phân hóa rõ nét hơn tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó, các cổ phiếu như VIC, VNM, KDC, HDB, BVH… là những nhân tố chủ chốt trong việc duy trì vững sắc xanh của hai chỉ số chính. Đáng chú ý, sau một phiên nghỉ ngơi, VIC đã quay trở lại đường đua khi tăng 4,3% lên 127.500 đồng/CP. VNM cũng tăng 1,1% lên 195.800 đồng/CP. BVH tiếp tục bứt phá với mức tăng 2% lên 102.500 đồng/CP.
Tuy nhiên, đà tăng của thị trường cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự rung lắc ở một số nhóm cổ phiếu, trong đó, các cổ phiếu dầu khí tiếp tục đem lại sự ‘u ám’ cho thị trường. PVS tiếp tục giảm 3,3% xuống 20.300 đồng/CP. PVC giảm 2,5% xuống 7.700 đồng/CP. PVD giảm 1,9% xuống 18.200 đồng/CP.
Ngoài ra, SAB tiếp tục giảm 1,3% xuống 226.000 đồng/CP, VRE giảm 0,5% xuống 49.650 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi HAG và HNG có những diễn biến trái ngược nhau trong phiên sáng. HAG giảm 2,2% xuống 6.290 đồng/CP và khớp lệnh 2,5 triệu cổ phiếu, còn HNG duy trì được sắc xanh khi tăng 0,3% lên 9.100 đồng/CP.
Thanh khoản thị trường có nhỉnh hơn phiên trước với tổng khối lượng giao dịch đạt 167 triệu cổ phiếu, trị giá gần 5.200 tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 7,88 điểm (0,66%) lên 1.196,17 điểm. Toàn sàn có 165 mã tăng, 116 mã giảm và 41 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,48 điểm (0,35%) lên 136,1 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 83 mã giảm và 49 mã đứng giá
Thị trường sau phiên rung lắc hôm qua thì đã có sự hồi phục đáng kể trở lại ngay từ đầu phiên giao dịch mới. Sắc xanh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang chiếm ưu thế và giúp kéo cả hai chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Cụ thể, các cổ phiếu như VIC, VNM, BVH, FPT, GAS… đều đồng loạt tăng giá mạnh. Trong đó, VIC tăng 2,8% lên 125.700 đồng/CP, VNM tăng 1,1% lên 195.900 đồng/CP, FPT tăng 25 lên 62.300 đồng/CP. BVH tăng 2,6% lên 103.100 đồng/CP.
ACB tăng 1,2% lên 40.600 đồng/CP. ACB vừa công bố tài liệu phục vụ kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 dự kiến tổ chức vào ngày 19/4. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch của ACB dự kiến đạt khoảng 5.699 tỷ đồng, gấp 2,14 lần năm 2017. Với mục tiêu này, lợi nhuận năm 2018 dự kiến sẽ vượt qua mức đỉnh lợi nhuận đạt được năm 2011 trước đó. Cổ tức năm 2017 của ACB dự kiến là 15% và tăng gấp đôi lên 30% năm 2018.
Còn SSI cũng đang tăng 1,5% lên 42.850 đồng/CP. Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vừa công bố danh sách thị phần giá trị giao dịch môi giới quý I/2018. SSI giữ vững vị trí dẫn đầu với thị phần tiếp tục lập kỷ lục với 18,98%. Đây cũng là quý thứ 17 liên tiếp, SSI đứng đầu danh sách các CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lớn nhất.
Trong khi đó, hai cổ phiếu chứng khoán khác là HSC và VCSC đều đang giảm nhẹ. HSC và VCSC quý I/2018 vẫn giữ ở vị trí thứ 2 và 3 trong danh sách các CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lớn nhất, tuy nhiên, thị phần của cả hai công ty này đều sụt giảm so với quý trước.
Sau khoảng 50 phút giao dịch, VN-Index tăng 11,04 điểm (0,93%) lên 1.199,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.546 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 1,14 điểm (0,84%) lên 136,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 16,7 triệu cổ phiếu, trị giá 282 tỷ đồng.
VCBS cho biết, VN-Index đã có một phiên điều chỉnh giảm khi khối ngoại có động thái chốt lời ở một số mã vốn hóa lớn đã tăng khá mạnh trong giai đoạn trước. Mặc dù vậy, phiên điều chỉnh như hôm qua do ảnh hưởng của thị trường tài chính quốc tế chưa làm thay đổi xu hướng hiện tại, trong bối cảnh chỉ số chung vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến giao dịch của nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành. Theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng những nhịp điều chỉnh của thị trường để gia tăng tỷ trọng ở những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2018. |