Tất bật “ra quân” sớm
Mặc dù mới kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng nhiều nhóm đầu tư và môi giới bất động sản đã tích cực trao đổi, lên kế hoạch cụ thể sớm ra quân với hy vọng có một năm mới nhiều thắng lợi.
Theo anh Hải - nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội đã xuất hành từ mùng 4 Tết, vừa để lấy ngày tốt, vừa để xem nguồn hàng mới mà anh cùng đội nhóm của mình đã tìm hiểu trong những ngày trước và trong dịp nghỉ Tết.
Nhà đầu tư này cho biết, đã là dân đầu tư thường có ít thời gian để nghỉ. Nếu trong Tết có nguồn hàng “ngon”, nhóm của anh sẽ khởi hành đi xem và đặt cọc mua luôn.
“Trong Tết chúng tôi vẫn bận rộn tính toán và xem nguồn hàng. Tùy vào phân khúc, thị trường khu vực chúng tôi mới quyết định lướt sóng hay đầu tư lâu dài. Không phải khu vực hay mảnh đất nào cũng lợi nhuận nhiều khi để lâu. Cùng đó, không phải thời gian nào cũng có thể lướt sóng được.
Nhà đầu tư bàn 'chiến thuật' đầu tư năm mới từ sớm.
Chúng tôi phải phân tích rất kỹ về địa thế, mức giá nếu mềm hơn thị trường xung quanh và khu vực mảnh đất đó vẫn còn nhiều tiềm năng trong tương lai thì mới quyết định đầu tư lâu dài được. Còn khu vực nào đang xuất hiện sóng đất thì có thể lướt lát nhanh, ăn chênh rồi rút lui”, nhà đầu tư này chia sẻ.
Anh Hải cũng cho biết, không chỉ nhóm của anh mà nhiều nhóm đầu tư khác anh quen biết cũng đã tất bật “ra quân” từ rất sớm. Bên cạnh đó, nhiều nhóm môi giới bất động sản vẫn tư vấn và giới thiệu sản phẩm xuyên Tết.
Anh Thanh Tùng - môi giới bất động sản tại Hà Nội đã tất bật khai xuân từ mùng 2 Tết, liên tục gọi điện tư vấn và giới thiệu “giỏ hàng” đang nắm.
“Tôi vẫn làm xuyên Tết, chỉ có điều không dẫn khách đi xem được thôi còn vẫn gọi điện tư vấn. Đến sáng mùng 2 Tết tôi đã dẫn khách đi xem đất rồi, khách hẹn tôi từ trong năm cũ, ngày này tốt nên tôi khai xuân lấy lộc luôn. Hy vọng năm nay thuận hơn năm trước”, anh Tùng chia sẻ.
Anh Tùng cũng cho biết, hiện nhiều nhà đầu tư tìm tới anh mong muốn tìm nguồn hàng tốt gom để lướt lát, đón sóng đầu năm.
Không phải ai lướt sóng cũng thành công
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Đã đầu tư là có rủi ro. Không có hoạt động đầu tư nào không có rủi ro cả. Chính vì vậy, chúng ta phải tìm hiểu và kiểm soát, chứ không phải vì rủi ro mà không đầu tư. Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư là nên biết mình - biết người. Biết mình là phải xác định mình thuộc nhóm nhà đầu tư nào: e ngại rủi ro, trung dung hay thích mạo hiểm”.
Theo TS. Lực, đối với tiêu chí đầu tư bất động sản nói chung và đất nền nói riêng, ông vẫn khuyên nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ pháp lý có ổn không, quy hoạch, hạ tầng - an ninh - cảnh quan như thế nào, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh thì môi trường sống và cảnh quan cũng rất quan trọng. Một yếu tố nữa là chủ đầu tư, những chủ đầu tư đứng đắn, làm ăn nghiêm túc sẽ đỡ rủi ro hơn rất nhiều.
Thanh khoản bất động sản rất quan trọng, tiếp theo là cách sử dụng đòn bẩy tài chính. Cuối cùng, đầu tư bất động sản nói chung và đất nền nói riêng là khoản đầu tư trung và dài hạn, đầu tư lướt sóng sẽ rủi ro trong năm 2022.
Còn theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định, sóng thì luôn có điểm thấp và điểm cao, hoặc điểm tiệm cận dưới và điểm tiệm cận trên.
"Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, sau những đợt khủng hoảng về tài chính, kinh tế, dịch bệnh thì dường như sức nén về đầu tư sẽ được bung ra rất nhiều. Như chúng ta thấy, hiện tại dịch bệnh và các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất khó khăn, do vậy dòng tiền sẽ chảy vào khu vực chứng khoán. Trong khi đó, khu vực chứng khoán và bất động sản được xem là bình thông nhau", ông Khương nói.
Theo ông Khương, bất động sản vẫn là kênh đầu tư có nhiều cơ hội, bởi chứng khoán không phải ai đầu tư cũng thắng.
"Đón sóng không dễ và không phải ai đầu tư cũng thành công", ông Khương nhấn mạnh.