Theo một báo cáo gần đây của SSI Research, hoạt động kinh doanh dược phẩm ít chịu ảnh hưởng hơn trong môi trường lạm phát cao, với chi phí đầu vào ổn định so với các ngành khác. Từ BCTC của các công ty dược niêm yết tại Việt Nam, chi phí đầu vào bình quân của hầu hết các công ty dược phẩm đều có tỷ trọng khá tương đồng, chủ yếu trong đó chiếm 60% là chi phí nguyên vật liệu.
Mặc dù chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng lại được chia nhỏ thành nhiều loại hoạt chất và dược phẩm khác nhau. Do đó, cấu thành chi phí sản xuất viên thuốc cuối cùng sẽ rất phân mảnh và hoạt động kinh doanh dược phẩm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát, trừ khi có sự gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó, mở cửa các chuyến bay quốc tế giúp đẩy nhanh các thương vụ M&A và duy trì mức định giá ngành ổn định trong thời kỳ thị trường biến động xấu. Do đó, SSI đánh giá các công ty dược niêm yết của Việt Nam với cơ cấu cổ đông hợp nhất, tỷ lệ thả nổi thấp và được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý sẽ có định giá cố định ở mức cao, từ đó tạo ra hầm trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong thời kỳ thị trường biến động như hiện tại.
Trong top các doanh nghiệp niêm yết dược lớn, so với tây dược thì đông dược dường như có phần yếu thế hơn về cả số lượng doanh nghiệp và lợi nhuận đạt được. Dẫn đầu lợi nhuận ngành dược hiện nay vẫn là Dược Hậu Giang với lợi nhuận đạt được năm 2021 là 776 tỷ đồng. Xếp ngay sau đó là 1 doanh nghiệp đông dược – Traphaco.
Trong số các doanh nghiệp đông dược, Traphaco luôn giữ vững vị trí đứng đầu cả chục năm nay. Các thương hiệu dược phẩm Traphaco đang sở hữu tiêu biểu có Boganic, Hoạt huyết dưỡng não, Tottri, Trà gừng, ... Năm 2021, doanh thu của Traphaco đạt 2.161 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 264 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020 và cao nhất từ trước tới nay.
Nguyên nhân là do công ty đã tăng cường quản trị tài chính thông qua xây dựng kế hoạch ngân sách, tiết giảm các chi phi kém hiệu quả, lãng phí, đồng thời phân bổ đủ chi phí phù hợp để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đảm bảo hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm; doanh số các sản phẩm chủ lực tăng trưởng, có biên lợi nhuận tốt, cụ thể là các sản phẩm Boganic và Hoạt huyết Dưỡng não; công ty đã linh hoạt trong nhập nguyên vật liệu khi có sự biến động về giá; doanh thu vươn mục tiêu đề ra.
Tuy vậy, EPS của Traphaco năm 2021 là 5.177 đồng/cp chỉ cao hơn OPC với EPS bằng 4.742 đồng/cp.
Đứng ở vị trí thứ hai là Dược phẩm OPC, năm 2021, doanh thu thuần của OPC đạt 1.124 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, do đó lợi nhuận sau thuế công ty năm nay cũng đạt kỷ lục với 123 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Foripharm năm nay xếp thứ ba đứng sau OPC sau năm 2020 vượt qua OPC đứng thứ hai về lợi nhuận nhóm đông dược. Nếu nói về doanh thu, Foripharm không thể so được với OPC. Trong khoảng 3 năm nay, trong khi OPC luôn thu về xấp xỉ 1.000 tỷ đồng thì doanh thu của Foripharm chỉ loanh quanh mức 400 tỷ đồng, thấp nhất trong 5 công ty. Thế nhưng, về lợi nhuận Foripharm lại không quá thua kém, thậm chí năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Foripharm còn vượt cả OPC.
Nguyên nhân vì biên lợi nhuận gộp của Foripharm khá cao và đang dẫn đầu ngành. Trong 2 năm gần đây là 2020 – 2021, biên lợi nhuận gộp của Foripharm luôn ở mức 69% còn OPC ở mức 39%. Lí do khiến biên lợi nhuận của Foripharm cao vì doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu hàng tự sản xuất cao chiếm trên 90%. Tỷ lệ trả cổ tức của Foripharm cũng cao nhất ngành với cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 là 60% và kế hoạch cho năm 2022 là 40%.
Nam Dược là doanh nghiệp nổi tiếng với những sản phẩm có nguồn gốc từ thuốc Nam như Thông xoang tán, thuốc ho Nam Dược, Diabetna,... Năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 song tình hình kinh doanh của NDC vẫn rất khả quan, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm tăng sức đề kháng và phòng COVID tăng đột biến.
Kết quả, doanh thu công ty lập kỷ lục kể từ khi hoạt động, đạt 640 tỷ đồng, tương ứng tăng 16% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế có phần chững lại, đạt hơn 68 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra nhưng giảm hơn 5% so với thực hiện năm 2020.
Không chỉ tập trung vào sản phẩm cốt lõi là thuốc Nam, Nam Dược tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực mỹ phẩm, trong năm 2021 đã bắt đầu đầu tư dây chuyền sản xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm chuyên trị bệnh đặc hữu như Dung dịch vệ sinh phụ nữ Emhappy, Gel mụn Timazgel, Sữa tắm Ích Nhi... Theo Nam Dược, đây là thế mạnh của Dược liệu Việt Nam, sẽ có tiềm năng và động lực phát triển tiếp theo cho công ty.
Dược Nam Hà được nhiều người biết đến qua các sản phẩm thuốc ho, siro ho Bổ phế Nam Hà. Dù vốn điều lệ khiêm tốn chỉ 52 tỷ đồng, nhưng doanh thu thu về công ty 4 năm liên tiếp đều xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận của Dược Nam Hà khá thấp, năm 2021 công ty chỉ lãi 30 tỷ đồng sau thuế, đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận của Dược Nam Hà giảm.
Bên cạnh đó, trong khi tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp đông dược khác khá thấp thì tỷ lệ nợ trên VCSH của Dược Nam Hà lại bằng 2, tăng 0,7 so với cùng kỳ. Trong 521 tỷ đồng nợ của Dược Nam Hà, nợ vay chiếm 314 tỷ đồng, tương ứng 60%.