Những tháng đầu năm diễn ra không mấy êm ả với ngành hàng không và du lịch Việt Nam do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lưu lượng du khách từ nhiều thị trường giảm mạnh.
Hiện tại, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nguồn khách lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam. Năm 2019, du khách Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt chiếm 32% và 24% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong tháng 1/2020, Việt Nam đón 645.000 lượt khách Trung Quốc (tăng 72,6% so với cùng kỳ). Tuy vậy, kể từ ngày 1/2/2020, Việt Nam đã cấm toàn bộ khách từ Trung Quốc đến Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Toàn bộ các chuyến bay giữa Trung Quốc và Việt Nam đã bị hủy kể từ đầu tháng 2 (trung bình khoảng 80 chuyến/ngày).
Trong tháng 2, các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục cắt giảm 34% số chuyến bay đến Đài Loan (Trung Quốc), 92% số chuyến bay đến Hongkong (Trung Quốc), cũng như cắt giảm hơn một nửa các chuyến bay tới Hàn Quốc. Các chuyến bay đến Nhật Bản dù chưa cắt giảm, vẫn giữ 160 chuyến/tuần, tuy nhiên, các hãng hàng không đang đánh giá tình hình và khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới.
Chưa dừng lại, sang tháng 3, các hãng hàng không trong nước tiếp tục dừng khai thác đường bay tới Hàn Quốc, tạm dừng khai thác chuyến bay đón khách từ Châu Âu về Việt Nam.
Chuỗi giá trị ngành hàng không bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19
Hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đang hoạt động tại 4 sân bay hấp dẫn khách du lịch nhất cả nước là Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh & Tân Sơn Nhất sụt giảm sản lượng khai thác từ 30 -50% trong tháng 2/2020 và tiếp tục giảm 70 -80% trong tháng 3/2020.
Chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 là nhóm công ty cung cấp dịch vụ hàng không (dịch vụ vận tải hàng không): HVN (Vietnam Airlines), VJC (Vietjet Air), SGN (Dịch vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất) khi các hãng hàng không dừng khai tác các chuyến bay tới Trung Quốc, Hàn Quốc & Châu Âu. Gần 40% tầu bay của HVN nằm đắp chiếu, không khai thác, trong khi chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao.
Cùng với đó, Vietjet Air cũng đã dừng 11 đường bay thẳng tới Hàn Quốc, với tần suất 480 chuyến bay/tháng trước khi Covid – 19 bùng phát, trong khi vẫn phải trả tiền thuê máy bay từ 0,4 – 1 triệu/tầu bay/tháng, gây thiệt hại cho hãng 50 triệu USD/tháng.
Nhóm công ty cung cấp dịch vụ phi hàng không như (NAS, MAS, CIA, SAS) chịu tác động gián tiếp của dịch Covid-19 do lượng khách du lịch sụt giảm mạnh, gian hàng miễn thuế tại các sân bay quốc tế không có khách mua trong khi chi phí thuê mặt bằng cao, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này sẽ khiến các doanh nghiệp đóng cửa, trả lại mặt bằng.
Tình trạng khách du lịch trong nước và quốc tế giảm mạnh, người dân trong nước hạn chế đi lại khiến các công ty cung cấp dịch vụ suất ăn hàng không như (NCS, MAS, AST) không tiêu thụ được, trong khi vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động.
Nhóm ít chịu tác động của Covid – 19 nhất là Nhà ga hàng hóa hàng không (NCT, SCS) do việc vận chuyển hàng hóa được thực hiện bằng tầu bay chuyên dụng và riêng biệt, không những thế nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa giá trị cao qua đường hàng không tiếp tục gia tăng.
Về phía các doanh nghiệp phục vụ mặt đất như SGN, dự báo sản lượng khai thác mỗi ngày tại sân bay Cam Ranh giảm 60-80%, tại sân bay Tân Sơn Nhất giảm 20-40% và có thể dẫn tới lợi nhuận sụt giảm với tốc độ nhanh hơn sụt giảm doanh thu do đơn giá phục vụ các chuyến bay quốc tế cao hơn rất nhiều so với các chuyến bay nội địa.
Dưới tác động tiệu cực của dịch Covid-19, cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng không niêm yết như HVN, VJC, ACV, AST, MAS, AST, SGN…đều ghi nhận mức sụt giảm hàng chục phần trăm chỉ trong thời gian ngắn.
Các cổ phiếu hàng không đồng loạt giảm sâu vì dịch Covid-19
Kết quả kinh doanh năm 2020 có thể giảm sâu
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, dự báo kết quả kinh doanh tháng 2 và tháng 3 của phần lớn các công ty trong ngành hàng không là lỗ và các khoản lỗ này có thể kéo dài tới hết quý 2/2020 nếu theo kịch bản cơ sở của Cục Hàng không Việt Nam đưa ra là tháng 6 mới kiểm soát được dịch.
Thử làm một phép tính đơn giản, trong 12 tháng phục vụ thì ngành hàng không mất khoảng 5 tháng bị sụt giảm doanh thu từ 40-70% tức dẫn tới sụt giảm 50-80% lợi nhuận tương ứng. Tính bình quân cả năm, các công ty trong ngành sẽ bị sụt giảm từ 17-30% doanh thu nếu nửa cuối năm hồi phục hoàn toàn về ban đầu như lúc trước khi xảy ra dịch Covid-19. Nếu nửa cuối năm mức độ hồi phục của các chuyến bay bằng ½ so với số lượng chuyến mất đi thì tính bình quân cả năm, doanh thu sẽ sụt giảm từ 30-50% so với trước khi xảy ra dịch bệnh, dẫn tới lợi nhuận có thể sụt giảm nhiều hơn từ 40-70% lợi nhuận.
SGN cung cấp dịch vụ mặt đất cho hãng Hàng không Vietjet Air (VJC) tại Cảng HKQT Cam Ranh và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có giá trị lên tới 498,3 tỷ đồng/1.497,5 tỷ đồng doanh thu phục vụ mặt đất, chiếm tỷ lệ 33,28%. Cùng với việc tạm dừng khai thác các chuyến bay của Vietjet tới các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ kiến doanh thu hoạt động phục vụ mặt đất của SGN sụt giảm nghiêm trọng.
Thuyết minh BCTC SGN cho thấy công ty còn khoản phải thu ngắn hạn của SGN đối với CTCP hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) lên tới 46,9 tỷ đồng. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh, nhu cầu du lịch trong nước cũng sụt giảm khiến các hãng hàng không giá rẻ trong nước không còn duy trì tần suất các chuyến bay như trước thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Với việc sụt giảm 60 – 70% nhu cầu đi lại của khách hàng, gián tiếp tác động tới doanh thu hoạt động dịch vụ mặt đất của SGN có thể khiến doanh thu năm tới của SGN sụt giảm 30 – 35%.
Nếu sử dụng P/E là chỉ tiêu định giá, EPS năm 2020 giảm từ 40-70% so với năm 2019 thì giá cổ phiếu các công ty trong ngành hàng không nhiều khả năng cũng có mức giảm tương ứng và sẽ mất tương đối nhiều thời gian để giá cổ phiếu ngành hàng không có thể hồi phục. Theo như Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành đã thẳng thắn chia sẻ: "Tình hình dịch bệnh khiến cho tích lũy của 4,5 năm trước coi như về con số 0".