Nhận định về xu hướng đầu tư, kinh doanh trong và sau dịch COVID-19, TS. Cấn Văn Lực và nhóm Nghiên cứu BIDV cho rằng: Tác động của COVID-19 đối với các ngành kinh tế rất khác nhau.
Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng, sản xuất phục hồi nhanh hơn lĩnh vực dịch vụ. Các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm - dịch vụ mới trên nền tảng số (thương mại điện tử, fintech...) xuất hiện nhiều hơn; xu hướng gia tăng đầu tư cho các hoạt động kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục...
Việc đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là vào y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng như giao thông, viễn thông, năng lượng... tạo cơ hội cho các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản... Đây sẽ là nền tảng để phát triển kinh tế lâu dài; hoạt động làm việc tại nhà trở nên phổ biến hơn.
Theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, một số ngành đã chịu tác động không đáng kể của dịch bệnh cho đến thời điểm tháng 9/2021 gồm: Nông nghiệp (nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; nông nghiệp phụ trợ như phân bón, thức ăn chăn nuôi); ngành công nghiệp và xây dựng (sản xuất giầy, sản xuất sản phẩm từ gỗ, sản xuất thép, khai khoáng như than, khoáng sản, dầu khí). Hay trong nhóm dịch vụ có tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản (mặt bằng thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ).
5 lĩnh vực theo khảo sát của Grant Thornton Việt nam được cho sẽ là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất trong năm tới gồm: Vận tải, logistic; giáo dục; năng lượng tái tạo; công nghệ và fintech; y tế, dược phẩm.
Nguồn: Viện Nghiên cứu BIDV.
Ngoài ra, theo Grant Thornton một số ngành cũng có triển vọng khá lớn là dịch vụ tài chính, thực phẩm, đồ uống và mảng bán lẻ.
Có nhiều điểm chung với nhận định của TS. Cấn Văn Lực, Viện Nghiên cứu BIDV, ông Đặng Xuân Quang, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) cho rằng, 5 nhóm ngành sẽ dẫn đường cho kinh tế Việt Nam năm 2022 gồm: Vật liệu xây dựng cơ bản; dệt may, da giày, thuỷ sản, sắt thép - ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn; thực phẩm, bán lẻ; thương mại điện tử, logistic; và công nghệ viễn thông.
Phân tích nguyên nhân, ông Đặng Xuân Quang cho biết: Đầu tiên là nhóm ngành được kích thích bởi đầu tư công. Nhóm ngành này đóng vai trò trọng tâm, đồng thời là “vốn mồi” kích thích đầu tư tư nhân phát triển. Năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 47% so với kế hoạch, nên dư địa còn rất lớn trong 2022.
“Đầu tư công được dự kiến sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo, phát triển kỹ thuật số. Nhu cầu về vật liệu xây dựng cơ bản, nhóm ngành vật liệu xây dựng sẽ có xu hướng phát triển trong năm 2022”, ông Quang nói.
Thứ hai là nhóm có tỷ trọng xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cao su, sắt thép…. Nguyên do là sự phục hồi nhu cầu trên thế giới, đặc biệt do sự giảm cung từ Trung Quốc.
Nhóm ngành thứ ba là nhóm được kích thích do phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong nước như: thực phẩm và đồ uống, bán lẻ và hàng không.
Nhóm ngành thứ tư là thương mại điện tử và logistics khi thói quen tiêu dùng, mua sắm trực tuyến của người dân trong bối cảnh đại dịch đã thay đổi mạnh mẽ, tạo lực đẩy giúp thương mại điện tử bùng nổ trong năm 2022. Ngoài ra, nhóm ngành này cũng được hưởng lợi từ sự tăng trưởng thương mại quốc tế của Việt Nam từ các FTA đã ký kết.
Nhóm ngành cuối cùng là công nghệ thông tin, nhất là mảng phần mềm doanh nghiệp, thiết bị và dịch vụ.
Theo TS. Cấn Văn Lực, một số ngành được cho là có triển vọng tăng trưởng trong năm tới lại là ngành những ngành có mức tăng giá cổ phiếu còn khiêm tốn trong một năm quan như: Ngành y tế, giá cổ phiếu niêm yết tăng 13,46% (Mức giá ngày 30/10/2021 so với cùng kỳ); ngành viễn thông tăng 17,02%; dịch vụ và giải trí tăng 10,4%; thực phẩm và đồ uống tăng 1,21%; bảo hiểm và ngân hàng tăng lần lượt 20,26% và 22,33%; xây dựng và vật liệu xây dựng tăng 37,79%... Một số ngành đã tăng trưởng mạnh như dịch vụ tài chính tăng 89,91%; công nghệ thông tin tăng 90,93%; Tài nguyên cơ bản tăng 91,96%; bán lẻ tăng 57,42%.