Đại dịch mang tới “vận may” cho các sàn thương mại điện tử, khi mua sắm trên mạng là cách duy nhất để có được những thứ người tiêu dùng cần trong thời kỳ giãn cách xã hội.
Đi chợ online lên ngôi mùa dịch
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh, các sàn bắt đầu triển khai bán tạp hoá đồ khô như mỳ tôm, bánh kẹo,... sau đó là rau rủ quả khi phối hợp với các địa phương giải cứu nông sản.
Nhờ kinh nghiệm đó, cùng với việc nhanh chóng nắm bắt cơ hội, các sàn tung thêm nhóm hàng thực phẩm tươi sống gồm thịt heo, thịt bò trong nước và nhập khẩu. Một số sàn còn chọn cách kết nối với các nhà cung cấp chuyên về thịt mát, thực phẩm tươi sống ngoại nhập.
Mở bán ngành hàng thực phẩm tươi sống là nỗ lực của các sàn thương mại điện tử trong chuỗi hoạt động hỗ trợ người tiêu dùng chống đại dịch Covid-19. Với bước đi này, họ đi vào ngõ ngách sâu nhất trong thói quen mua hàng tươi sống của người tiêu dùng Việt.
Theo khảo sát, 4 sàn thương mại điện tử lớn là Lazada, Shopee, Tiki, Sendo đều có gian hàng thực phẩm tươi sống phục vụ khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Hai sàn thương mại điện tử của bưu chính là Postmart và Voso cũng triển khai mảng này.
Dữ liệu của iPrice cho thấy, các mặt hàng nhu yếu phẩm, tạp hóa trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng nóng. Trong khi đó, nhóm hàng này từ trước đến nay vốn không phải là mặt hàng chủ lực của các sàn.
Theo số liệu ghi nhận tại một số sàn, lượng đơn hàng tăng đột biến trong những ngày giãn cách xã hội. Tiki đã tiêu thụ khoảng 10 tấn rau của quả và 10.000 đơn/ngày với mặt hàng thiết yếu. Các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên Shopee tăng mạnh, khoảng 30 tấn/ngày. Lazada có sản lượng tiêu thụ trung bình 5-10 tấn/ngày với rau xanh và thực phẩm chế biến.
Việc các sàn thương mại điện tử mở ngành hàng thực phẩm là cơ hội mở rộng kênh phân phối cho các trang trại, nhà cung ứng thị sạch, thực phẩm hữu cơ. Anh Minh Tân, chủ gian hàng Foodmap, cho biết từ đầu 2021, số lượng đơn hàng thực phẩm tươi sống và nông sản tăng trưởng mạnh. Riêng tuần qua, sức mua tăng gấp 4-5 lần so với bình thường.
Tương tự, chị Đoàn Thanh Tuyền chia sẻ, gian hàng TopMeal xử lý 500-600 đơn hàng thịt heo đông lạnh mỗi ngày.
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Mùa vụ 2021, lần đầu tiên hàng nghìn tấn vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên chính thức phân phối trên cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam (bao gồm cả Sendo, Voso, Postmart, Tiki, Shopee, và Lazada) với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức.
Đây cũng là niên vụ đầu tiên, vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang châu Âu theo hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua sàn thương mại điện tử Voso. Việc này đã góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm thu nhập và đời sống của người nông dân giữa lúc dịch có những diễn biến phức tạp.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, các mặt hàng nông sản đã và đang được đưa lên rất nhiều sàn thương mại điện tử với quy mô khác nhau. Điển hình là Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến" tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương; phiên chợ nông sản Việt hay chương trình hỗ trợ nho xanh Ninh Thuận, bơ Đắk Lắk, khoai lang tím ở Vĩnh Long, mận hậu Sơn La, lê thơm Tai Nung (Lào Cai), sầu riêng RI6 Trà Vinh...
Vệc ứng dụng công nghệ để bán và vận chuyển giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, đảm bảo độ tươi, ngon, sạch. Sản phẩm tiếp cận được trực tiếp với người tiêu dùng, tối ưu được chi phí của người tiêu dùng cuối cùng.
Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ - đánh giá: "Hướng đi của các DN khi lên sàn thương mại điện tử là rất đúng. Nhờ đó, có thể đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra quốc tế. Hy vọng các sàn thương mại điện tử sẽ hỗ trợ cho các nhà sản xuất, không chỉ trong dịch mà cả sau này".
Nhờ các sàn thương mại điện tử, nông dân cũng thu được lợi ích lớn. Ông Trần Văn Nghệ, 57 tuổi, chủ vựa sầu riêng ở ấp 4, xã Phú An, huyện Tân Phú (Đồng Nai) cho hay, ông đã rất lo sợ khi đại dịch bùng phát trở lại. Tuy nhiên, doanh số có dấu hiệu tốt hơn khi trước. Thậm chí, sầu riêng hạt lép Ri 6 và Monthong mà ông bán cho thương lái và các vựa từ 45.000-55.000 đồng/kg, cao hơn 15.000-20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Thanh toán không tiền mặt
Một xu hứng nổi bật khác là người dùng cũng ngày càng ưa chuộng phương thức thanh toán không tiền mặt, với số lượng đơn hàng thanh toán qua hình thức này tăng 10-13 lần so với ngày thường, tùy theo sàn.
Dịch bệnh thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt |
Khảo sát của Visa cho thấy, dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ. 77% người tiêu dùng Việt Nam biết đến ngân hàng số và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng ưa thích nhất, tiếp đến là chuyển tiền.
Đặc biệt, có đến 6% người được khảo sát cho biết họ nghĩ rằng sẽ không cần phải sử dụng tiền mặt nữa. Đó là tín hiệu lạc quan cho thấy dù quay lại bình thường mới thì thói quen không tiền mặt của người dân vẫn được duy trì.
Theo Sendo, thanh toán không tiền mặt tăng trưởng mạnh, trong đợt dịch vừa qua đạt 70-80% trong khi năm 2020 tỷ lệ này chỉ bằng một nửa, khoảng 30-40%. Trong đó, thanh toán qua ví điện tử tăng rất mạnh. Tại lễ hội mua sắm 11/11, số lượng đơn đặt hàng thanh toán qua ví ShopeePay trên sàn Shopee tăng 9 lần so với trung bình ngày thường.
Những con số kỷ lục
Kết thúc dịp sale 11/11 vừa qua, đại diện Shopee cho biết đã thiết lập hai kỷ lục mới. Hơn 2 tỷ mặt hàng được bán ra, phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào năm 2020, đồng thời số người dùng truy cập vào nền tảng tăng gấp 5,5 lần so với ngày thường. Nhiều nhà bán hàng địa phương ghi nhận mức tăng trưởng mạnh với lượng đơn hàng tăng gấp 18 lần trong lần đầu tiên tham gia lễ hội mua sắm này.
Trong khi đó, doanh thu và số đơn đặt hàng trên toàn sàn Lazada tăng gấp 2 lần so với năm 2020. Số lượng thương hiệu và nhà bán hàng tham gia cũng tăng gấp 1,5 lần.
Tiki đánh giá đây là chương trình thành công nhất của DN từ trước đến nay, với mức tăng trưởng chưa từng có. Doanh số bán hàng tăng 9 lần, với số đơn hàng tăng gấp nhiều lần, lượng khách hàng mua sắm tăng gấp 2 lần so với ngày thường.
Theo thông tin từ Grab, số lượng đơn hàng GrabFood, dịch vụ gọi đồ ăn giao tận nơi tăng mạnh so với thời điểm trước ngày 30/5. Dịch vụ đi chợ hộ GrabMart có sự tăng trưởng đơn hàng đột biến. Vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp này cũng triển khai các biện pháp an toàn cho vấn đề giao nhận.
Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), công bố, trong những năm qua, tỷ lệ người dân sử dụng Internet, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm doanh thu thương mại điện tử B2C liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua.
Theo báo cáo mới nhất từ Google Temasek và Bain & Company, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 29% từ nay đến 2025. Năm 2025 doanh thu từ lĩnh vực này tại Việt Nam dự đoán đạt 57 tỷ USD so với mức 21 tỷ USD năm 2021.
Duy Anh