BHP – công ty khai thác khoáng sản thiên nhiên lớn nhất thế giới, và đối thủ Anglo American đều ghi nhận lợi nhuận tăng kỷ lục vào đầu tuần trước. Sự khởi sắc được thúc đẩy bởi giá hàng hóa tăng và triển vọng sinh lời lớn khi mùa báo cáo tài chính của ngành tiếp tục diễn ra vào tuần này.
Deutsche Bank dự đoán 5 công ty khai thác mỏ lớn, trong đó có Glencore, Rio Tinto và Vale, sẽ công bố giá trị cổ tức và lợi nhuận tiền mặt là 24 tỷ USD. Triển vọng trong cuối năm nay thậm chí còn khởi sắc hơn nữa.
Những khoản chi trả cổ tức ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư, trong bối cảnh họ đang chật vật để tìm kiếm lợi suất thực dương. Đó là khoản lợi nhuận mà họ có thể nhận được khi tính đến lạm phát.
Khi lạm phát ở Anh đang ở mức 5,4%, lĩnh vực khai khoáng là một trong số ít những ngành có thể bắt kịp tốc độ này. Theo các nhà phân tích tại Berenberg, một nhóm các công ty khai thác mỏ niêm yết tại London mà họ theo dõi mang về khoản lợi nhuận tiềm năng là 5,9%.
Jonathan Stubbs – nhà phân tích tại Berenberg, cho hay: "Rõ ràng, trong môi trường lạm phát cao hơn, một trong những thách thức lớn nhất trên thị trường đối với các nhà đầu tư là cơ hội nhận được lợi nhuận thực."
Susannah Streeter – nhà phân tích đầu tư và thị trường cấp cao tại Hargreaves Lansdown, nền tảng đầu tư lớn nhất của Anh, cho biết mối quan tâm đối với cổ phiếu ngành khai thác như Rio đã tăng lên kể từ cuối tháng 11. Đó là thời điểm nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm kiếm những công ty linh hoạt hơn trong môi trường lãi suất cao.
Rio nằm trong số 10 cổ phiếu được mua nhiều nhất trên nền tảng Hargreaves Lansdown kể từ đầu năm 2022. Trong khoảng thời gian đó, cổ phiếu Rio tăng hơn 17% tính đến cuối ngày thứ Năm.
Khai thác mỏ đã trở thành một trong những ngành có nguồn lợi nhuận lớn nhất đối với các nhà đầu tư Anh trong những năm gần đây. Lĩnh vực này chiếm gần ¼ tổng giá trị cổ tức vào năm 2021, tăng từ mức 4% vào năm 2016.
Điều này một phần phản ánh thực tế là các lĩnh vực khác bao gồm ngân hàng, du lịch và giải trí, đã buộc phải cắt giảm cổ tức vì đại dịch.
Đồng thời, những gì đang diễn ra cũng cho thấy sự thay đổi lớn của ngành khai khoáng dưới thế hệ lãnh đạo mới. Họ là những người nỗ lực giảm đòn bẩy, tránh đầu tư vào các dự án lớn và thay đổi chính sách cổ tức gắn liền với lợi nhuận công ty.
Việc này khác xa so với bối cảnh của lĩnh vực này cách đây 6 năm. Khi đó, Trung Quốc khiến giá hàng hóa sụt giảm đã khiến một số cái tên lớn trong ngành đứng trước bờ vực sụp đổ.
Hiện tại, đội ngũ quản trị của các doanh nghiệp này đang tập trung vào việc thu về lợi nhuận bằng tiền mặt và không muốn chi tiền mặt cho những mỏ khai thác lớn mới. Đường ống dẫn của các dự án mới lại đang ở mức rất thấp, cũng như nhu cầu về kim loại có khả năng truyền điện sẽ tăng cao, trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi năng lượng phổ biến hơn.
Deutsche Bank dự đoán 5 công ty lớn trong lĩnh vực này sẽ mang về cho nhà đầu tư khoản lợi nhuận 48 tỷ Usd trong năm nay, với khả năng sẽ chi trả 60 tỷ USD cổ tức nếu giá hàng hóa vẫn ở mức hiện tại.
Tuy nhiên, lĩnh vực khai khoáng không phải là không có rủi ro. Việc tạo ra nhiều tiền mặt có thể bị hạn chế bởi lạm phát do giá dầu và cước vận chuyển cao hơn, người lao động yêu cầu mức lương cao hơn. Ngoài ra, ngành này cũng cần thêm vốn đầu tư để giảm lượng carbon trong quá trình khai thác.
Tham khảo Financial Times