Mùa báo cáo tài chính quý 2/2019 của các ngân hàng đang vào đợt cao điểm. Bất chấp việc tín dụng siết chặt, nguồn thu đột biến ngoài lãi không còn dồi dào như năm ngoái,...các ngân hàng lớn vẫn đua nhau báo lãi kỷ lục.
Không chỉ lợi nhuận mà con số nợ xấu cũng gây "bất ngờ" không kém. Trong khi nợ nhóm 5 không có nhiều thay đổi, nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 lại có xu hướng tăng mạnh, tại một số ngân hàng còn tăng theo cấp số nhân.
Tại thời điểm ngày 30/6/2019, nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn của Vietcombank đã tăng tới 5,7 lần so với hồi đầu năm lên mức 1.670 tỷ đồng. Trước đó, 3 tháng đầu năm, nhóm nợ này cũng đã tăng 3,4 lần.
Trong khi đó, nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn gần như không có sự thay đổi, vẫn ở mức trên 4.700 tỷ và chiếm tới 67% nợ xấu của ngân hàng.
Tổng nợ xấu nội bảng của Vietcombank cuối tháng 6 là 7.134 tỷ đồng, tăng 14,6% so với đầu năm, mức tăng cao hơn so với tăng trưởng dư nợ cho vay. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của nhà băng này từ mức dưới 1% đã leo lên 1,03%.
Hay tại ngân hàng MBBank, nợ nhóm 4 cũng tăng mạnh. Nhóm nợ nghi ngờ ở nhà băng này tăng 73% lên 1.379 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 19% lên 1.305 tỷ. Tuy nhiên, nợ nhóm 5- nợ có khả năng mất vốn lại giảm nhanh từ mức 962 tỷ xuống còn 317 tỷ. Do đó, nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của MBBank giảm từ 1,33% xuống còn 1,26%.
Nợ nhóm 5 không có nhiều thay đổi nhưng nợ nhóm 3, nhóm 4 tăng vọt còn diễn ra tại nhiều ngân hàng nữa. Chẳng hạn tại TPBank, nợ nhóm 3 tăng tới 64% lên 485 tỷ, nợ nhóm 4 tăng gần gấp đôi lên 468 tỷ. Trong khi đó, nợ nhóm 5 ở ngân hàng này chỉ tăng 19% lên 383 tỷ đồng. Với sự thay đổi lớn ở nhóm nợ nghi ngờ, tổng nợ xấu nội bảng ở TPBank tăng tới 55% trong 6 tháng đầu năm khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,12% lên 1,5%.
Nợ nhóm 4 ở LienVietPostBank tăng tới 171% lên 634 tỷ. Trong khi đó, nợ nhóm 3 giảm 47% xuống 264 tỷ; nợ nhóm 5 tăng nhẹ 7% lên 1.009 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu ở ngân hàng này cũng trong xu hướng tăng, từ mức 1,41% lên 1,48%
Đại diện một ngân hàng nhỏ, tại Kienlongbank, nợ nhóm 4 tăng tới 182% lên 125 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu từ mức dưới 1% cũng đã tăng lên 1,15%.
Nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng nói trên vẫn đang giữ được mức thấp, dưới 2%. Tuy nhiên, xu hướng nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng mạnh cũng đặt ra câu hỏi về khả năng hình thành nợ xấu mới của các ngân hàng.
BCTC quý 2/2019 trước kiểm toán do các ngân hàng công bố hầu hết vẫn chưa thể hiện một mục quan trọng là trái phiếu VAMC – nơi mà ước tính hệ thống ngân hàng đang có hơn 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Bên cạnh kết quả lợi nhuận ấn tượng, nợ xấu vẫn là chỉ số được thị trường quan tâm hàng đầu để đánh giá về hiệu quả hoạt động của một nhà băng. Mặc dù đã có nhiều kết quả tích cực trong công cuộc xử lý nợ xấu, nhưng "bóng ma" này vẫn còn ám ảnh nhiều ngân hàng cho đến nay, thậm chí nỗi lo phát sinh nợ xấu mới vẫn luôn trực chờ.