Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank – EIB) vừa thông báo về giao dịch cổ phiếu liên quan đến người nội bộ ngân hàng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công đăng ký bán toàn bộ hơn 60,5 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%). Hợp Tác xã Cổ phần Thành Công cũng muốn bán sạch hơn 44,7 triệu cp EIB (tỷ lệ 3,637%), Công ty Cổ phần Phúc Thịnh đăng ký bán hơn 12,2 triệu cp EIB (tỷ lệ 1,005%).
Các giao dịch trên dự kiến thực hiện theo phương thức thoả thuận, thực hiện từ 7/10-31/10/2022.
Bà Lê Hồng Anh, Thành viên HĐQT Eximbank là người liên quan đến các cổ đông trên. Hiện bà đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thành Công, chị dâu của người quản lý Công ty Cổ phần Phúc Thịnh, em chồng của người quản lý Hợp tác xã Cổ phần Thành Công.
Sự tham gia của nhóm cổ đông này vào Eximbank khá kín kẽ. Phải đến tháng 4/2021, khi bà Lê Hồng Anh được đề cử vào HĐQT, thương vụ đầu tư này mới chính thức được hé lộ. Sau hơn 1 năm lộ diện, nay nhóm cổ đông Tập đoàn Thành công dự kiến sẽ bán hơn 117 triệu cp EIB, tương đương với hơn 9,5% vốn cổ phần ngân hàng.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch 4/10, giá cổ phiếu EIB đứng ở mức 32.500 đồng/cp. Ước tính theo vùng giá này, nhóm cổ đông trên có thể thu về hơn 3.800 tỷ đồng.
Cổ phiếu Eximbank là một trong những mã ngân hàng hiếm hoi thoát khỏi bị lao dốc kể từ tháng 9 đến nay. Bên cạnh đó, cổ phiếu này liên tục ghi nhận giao dịch “khủng”. Chỉ từ đầu tháng 9, đã có hơn 135 triệu cp được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức thoả thuận, giá trị gần 5.000 tỷ đồng. Số cổ phiếu này chiếm khoảng 11% vốn cổ phần ngân hàng.
Với những giao dịch như trên, cơ cấu cổ đông của Eximbank có thể đã xáo trộn đáng kể trong thời gian qua và sẽ còn tiếp tục thay đổi lớn sau khi nhóm Thành Công hoàn tất giao dịch.
Trong cuộc họp cổ đông thường niên hồi tháng 4/2022, lãnh đạo Eximbank khẳng định tình trạng “đấu đá nội bộ” đã kết thúc. Rất có thể, sau nhiều năm mâu thuẫn sâu sắc giữa các nhóm cổ đông lớn, “cuộc chiến quyền lực” tại Eximbank đã đến hồi kết với một nhóm cổ đông sở hữu số cổ phần vượt trội.
Eximbank cũng gây bất ngờ cho thị trường với nhiều kế hoạch lớn trong thời gian gần đây. Sắp tới, Eximbank sẽ phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ nhận được số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay.
Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng, là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Vốn điều lệ của nhà băng này đã đứng yên ở mức 12.355 tỷ đồng kể từ năm 2012.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính, Eximbank là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý 2/2022 khi báo lãi trước thuế đạt 1.094 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.902 tỷ đồng, tăng 243% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất trong hệ thống.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản Eximbank đạt 174.583 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 124.528 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3% lên 141.495 tỷ đồng. Nợ xấu của Eximbank tăng 4,3% trong 6 tháng đầu năm lên 2.344 tỷ, mức tăng thấp hơn so với toàn danh mục cho vay. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay giảm từ 1,96% xuống 1,88%.