Tại Lễ ra mắt Hội nhôm thanh định hình Việt Nam Khu vực phía Bắc và Hội thảo Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) ngày 23/7, ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký cho biết: Các doanh nghiệp mới xuất khẩu được 5% vào EU. Để vào được thị trường EU, trước tiên DN phải có các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường đó.
Hàng vào châu Âu là phải chất lượng. Nếu DN Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn và có năng lực, cơ hội là rất lớn.
Theo ông Vũ Văn Phụ, các DN phải nghiên cứu kỹ về nội dung hiệp định thương mại VN - EU, trong đó có vấn đề xuất xứ hàng hóa. Vị này thừa nhận DN Việt Nam còn "đuối về xuất xứ hàng hóa", đây là điều cần khắc phục.
Nhôm Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh từ nhôm Trung Quốc
Theo đại diện VAA, ngành công nghiệp nhôm Việt Nam còn tương đối non trẻ nhưng tốc độ phát triển và tiếp thu công nghệ khá nhanh. So với các nước Đông Nam Á thì Việt Nam nằm trong top đầu về sản lượng và chất lượng."Liệu chúng ta có phụ thuộc vào nguồn hàng từ Trung Quốc không? Tới thời điểm này nhiều DN đã chủ động xây dựng được nguồn nguyên liệu. Song song với đó, các nguyên liệu Việt Nam chưa sản xuất được thì nhập khẩu từ nhiều thị trường khác", ông Phụ cho biết.
Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hiệp hội nhôm Việt Nam, chia sẻ: Nhôm Trung Quốc với giá rẻ đã phá giá thị trường khủng khiếp khiến các DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhất là lực lượng lao động trong ngành lớn. Hội ra đời giúp doanh nghiệp có điểm tựa về mặt pháp lý để chống lại cuộc cạnh tranh không lành mạnh của nhôm thanh định hình của Trung Quốc vào Việt Nam.
"Trước mắt, Hội sẽ xây dựng lại hệ thống nhôm thanh định hình Việt Nam để xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng rành mạch và có điểm tựa để cạnh tranh với hàng xuất xứ từ Trung Quốc", ông Nguyễn Minh Kế cho biết.
Bên cạnh đó, các DN cũng phải tự mình hoàn thiện, áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng chất lượng giá thành sản phẩm, giá thành hợp lý để cạnh tranh sòng phẳng với nhôm Trung Quốc.