Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, doanh nghiệp được hỗ trợ thủ tục thông quan nhanh chóng; không còn cảnh kẹt cảng, hết container rỗng…
Thông quan nhanh, giá cước giảm
Tại cảng Phước Long - ICD Transimex (quận 9) ngay từ sáng sớm, hàng tấn cà phê, hạt tiêu, hoa hồi, quế, hạt điều… được Công ty CP Phúc Sinh đưa đến, chất đầy trong khoảng 50 container để xuất khẩu sang 10 quốc gia châu Âu, Mỹ, Trung Đông… Thủ tục thông quan điện tử nên chủ doanh nghiệp không cần đến tận cảng, chỉ cần vài nhân viên công ty đến kiểm tra hàng xuất đi. “Thủ tục xuất nhập khẩu nhanh chóng giúp việc xuất khẩu thêm thuận lợi, mọi hồ sơ giấy tờ chỉ cần qua một cửa. Thị trường xuất khẩu năm nay sẽ khó khăn hơn nhưng mặt hàng thực phẩm vẫn là điểm sáng trong năm 2023”, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh, nhận định.
Cũng xuất khẩu nông sản đến nhiều nơi trên thế giới, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More, cho biết, việc xuất khẩu hiện đã thông thoáng hơn nhiều, trong khi đó, cước vận chuyển giảm 5-6 lần. Nếu như trước đây cước một container vận chuyển hàng đi Mỹ khoảng 10.000 USD thì nay chỉ còn hơn 1.000 USD; còn đi Úc trước khoảng 3.800 AUD nhưng nay giảm còn 1.200 AUD. Container rỗng còn rất nhiều, không thiếu như trước. Lạm phát ở nhiều nước tăng, việc xuất khẩu khó khăn nên dư container, cước vận chuyển giảm. Nhiều đơn vị vận chuyển đang chào mời cước giá rất cạnh tranh.
“Thủ tục hải quan thông thoáng, nhanh chóng hơn rất nhiều. Chỉ cần khoảng 3 ngày là thủ tục hoàn thiện để xuất khẩu. Chúng tôi đỡ mất thời gian chờ đợi. Hiện chúng tôi đang nhận đơn hàng cho 6 tháng đầu năm 2023, bước đầu có nhiều tín hiệu rất khả quan”, ông Luận nói.
Chờ nhập khẩu mỹ phẩm, ông Trần Trường Thụ, đại diện Công ty TNHH TMDV Phương Phát, nói: “Chúng tôi đã làm thủ tục nhận hàng tại cảng gần 8 năm qua và thấy rằng khâu làm thủ tục được cải tiến từng ngày. Chúng tôi chỉ cần tra khai thông tin ở tờ khai điện tử, tất cả đều hợp lệ, rõ ràng thì việc nhận hàng sẽ rất nhanh. Hải quan rất hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu”.
Hàng nhập khẩu đa số thuộc luồng xanh
Trưa 13/1, phóng viên có mặt tại cảng ICD Transimex thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV. Đây là cảng container trong nội địa, chịu trách nhiệm vận chuyển, đưa hàng đến cảng Cát Lái, cảng Cái Mép, từ đó đi các quốc gia trên thế giới. Đường vào cảng rộng thênh thang, không còn cảnh xe container xếp hàng dài cả cây số; những thùng hàng container nhanh chóng được bốc xếp lên các tàu lớn; doanh nghiệp đến nhận hàng đều thực hiện khai điện tử nên không phải chờ đợi lâu.
Theo ông Tống Lê Dân, Chi cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM đã chỉ đạo tất cả các đơn vị phải hết sức tạo thuận lợi và giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa, nhưng vẫn tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, tích cực chống buôn lậu, gian lận thương mại. “Lượng hàng nhập về so với năm 2021 không tăng. Mặt hàng Tết nhập về tại cảng chủ yếu là bánh kẹo, rượu, hàng đông lạnh phục vụ tiêu dùng… Chúng tôi cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp để rút ngắn tối đa thời gian thông quan hàng hóa”, ông Dân khẳng định.
Trung bình một ngày, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV tiếp nhận từ 30-40 tờ khai hàng nhập khẩu, trong đó đa số là luồng xanh (miễn kiểm tra hoàn toàn) và luồng vàng (chỉ kiểm tra hồ sơ) chiếm đa số, còn tờ khai luồng đỏ hoặc chuyển luồng đỏ (phải kiểm tra thực tế) rất ít, chỉ khoảng 3-4 tờ/ngày. Đối với hàng xuất khẩu, có khoảng 100 tờ khai luồng xanh, 50-60 luồng vàng và rất ít luồng đỏ.
“Hàng nhập về cảng có hàng tiêu dùng, thực phẩm…, chúng tôi phải phối hợp với các lực lượng khác để kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch đúng quy định. Mặc dù thủ tục hải quan rất thông thoáng nhưng chúng tôi vẫn phải kiểm soát chặt chẽ”, ông Dân nói.