Ngành công nghiệp khí được đánh giá là một trong những nhóm ngành giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tại Việt Nam, đây là lĩnh vực hiện ở giai đoạn non trẻ và đang phát triển. Nói rằng non trẻ bởi lẽ, khi đem so với thế giới thì sản lượng tiêu thụ khí thiên nhiên hàng năm của Việt Nam chưa cao, thấp hơn Brunei tới 84 lần, Canada 32 lần, Nga 30 lần, Mỹ và Iran 24 lần, và Úc, New Zealand, Nhật và Malaysia 11 lần (tính trên bình quân đầu người).
Có thể thấy, tiềm năng của lĩnh vực này là vô cùng lớn. Trong báo cáo cập nhật ngành Khí của VietinBank Securities (HoSE: CTS), mỏ khí mới phát hiện và nhập khẩu khí LNG được đánh giá là hai mảnh ghép quan trọng cho bức tranh triển vọng tích cực của ngành công nghiệp khí Việt Nam.
Điểm sáng đến từ mỏ khí mới phát hiện
Nhìn chung, ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 có xu hướng đi ngang, sản lượng hàng năm vào khoảng 10 – 11 tỷ m3 khí. Theo đánh giá của CTS, trong vòng hai năm tới là 2021 và 2022, cung và cầu khí của Việt Nam sẽ không có gì thay đổi. Nhưng sang đến năm 2023, Việt Nam sẽ đón dòng khí đầu tiên về bờ từ dự án Sư Tử Trắng 2B, qua đó nâng tổng sản lượng khai thác khí lên đến 12,5 tỷ m3 và là điểm mấu chốt cho sự tăng trưởng của ngành khí.
Đánh giá tình hình nguồn cung, hiện hầu hết lượng khí khai thác đang được sử dụng phục vụ cho sản xuất điện, sau đó là đạm. Kể từ cuối năm 2019, Việt Nam bắt đầu ghi nhận tình trạng thiếu hụt khí tiêu thụ đáp ứng cho hai ngành sản xuất này. Theo đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhờ yếu tố tăng trưởng kinh tế và nhân khẩu, đồng nghĩa nguồn cung khí sẽ chỉ đủ nguồn cầu khí cho đến trước khi dự án Sư Tử Trắng 2B chính thức vận hành.
Về cơ cấu tiêu thụ khí, chủ trương lấy điện khí làm trọng tâm trong tương lai sẽ là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên do nước ta đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thế giới khi nhiều hãng sản xuất đã dịch chuyển nhà máy sản xuất về Việt Nam.
Hiện nay, cơ cấu nhu cầu tiêu thụ khí trung bình hàng năm ở mức tỷ trọng 77% cho ngành điện, 19% cho ngành đạm và 4% cho các ngành công nghiệp khác. Với nhu cầu đạm giảm xuống và chủ trương phát triển điện khí trong tương lại, CTS dự phóng tỷ trọng của ngành điện trong cơ cấu tiêu thụ điện sẽ tăng lên 84%, ngành đạm giảm xuống còn 9%, còn lại là cho ngành công nghiệp khác.
Triển vọng cho nhập khẩu khí LNG
Giá than vẫn sẽ tăng trong các năm tới, đây là điều kiện để sản phẩm thay thế nhiên liệu than trong sản xuất điện phát triện bao gồm năng lượng tái tạo và khí LNG - tương lai của ngành khí toàn cầu. Tuy nhiên, CTS cũng đưa ra một số rủi ro về việc nhập khẩu khí LNG. Lớn nhất là yếu tố giá thành khi giá bán điện chạy từ khí sẽ cao hơn rất nhiều so với giá điện hiện nay; trong khi vốn đầu tư cho LNG rất lớn. Cụ thể, giả định nếu cứ 1000 MW nhiệt điện than (giá 1.600 đồng/kWh) được thay bằng nhiệt điện khí LNG (giá 2.100 đồng/kWh) thì chi phí phát điện mỗi năm sẽ tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các dự án chiến lược về mảng này đến nay vẫn chưa đàm phán xong hợp đồng bán điện do cơ chế giá FIT điện từ khí chưa được thống nhất. Trên thực tế, dự án điện khí khó thực hiện hơn điện than khi mất nhiều nguồn lực tài chính hơn và không đảm bảo đầu ra. Do vậy, những dự án này thường chậm tiến độ triền miên, con số có thể lên đến chục năm.
Dự phóng cho giai đoạn 2021 – 2035, CTS cho rằng xu hướng phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với biên độ cung lớn cầu ngày càng được cải thiện. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng như cầu sản xuất, vận chuyển, phân phối và tiêu thụ khí; bên cạnh là nhu cầu tiêu thụ khí của ngành điện, đạm và các ngành công nghiệp sử dụng khí khác. Ba yếu tố được xem là quan trọng quyết định xu hướng phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam là nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ và giá dầu.
Với trữ lượng khí đang sụt giảm, đặc biệt là khí đồng hành, việc phát hiện thêm mỏ khí mới là yếu tố quan trọng giúp ngành công nghiệp khí Việt Nam lấy lại động lực phát triển. CTS nhấn mạnh 3 dự án mỏ khí mới có tiềm năng thay đổi tình trạng sụt giảm trữ lượng khí hiện tại của Việt Nam, đó là, Cá Voi Xanh (Lô 118), Bể Sông Hồng; Lô B – Ô Môn, Bể Malay – Thổ Chu; và Kèn Bầu (Lô 114), Bể Sông Hồng.
Xét tới nhu cầu tiêu thụ khí, tăng trưởng lượng tiêu thụ khí LPG từ nguồn cung trong nước có thể tăng lên 4% và từ nguồn nhập khẩu sẽ tăng 20% cho năm 2021. Như vậy tổng cầu của toàn thị trường khí LPG là 11% và kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn.
Về yếu tố giá dầu, CTS dự báo giá dầu sẽ giảm về 58,1 – 62,4 USD/thùng vào năm 2021 – 2022 do nguồn cung dầu đang tăng và biến thể COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi nhu cầu dầu trên toàn cầu.
CTS đưa ra khuyến nghị đầu tư với mã cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam. Theo CTS, giá dầu WTI dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ đạt mức 62 USD/thùng và mỏ khí Sao Vàng Đại Nguyệt bù đắp trữ lượng khí khai thác sụt giảm, những yếu tố này sẽ tạo đà tăng nhu cầu tiêu thụ khí, giúp cải thiện lợi nhuận biên của GAS. Ngoài ra về dài hạn, GAS sẽ hưởng lợi từ việc cung cấp khí LNG.
Cập nhật mới nhất, GAS và Công ty Đầu tư AES (Hoa Kỳ) vừa ký kết thỏa thuận liên doanh thành lập và vận hành Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ. Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ nằm trong chuỗi dự án điện khí LNG tại tỉnh Bình Thuận, có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1,31 tỷ USD, với công suất kho cảng là 3,6 triệu tấn/năm (cho giai đoạn 1 và lên đến 9 triệu tấn vào giai đoạn tiếp theo).
Về tình hình kinh doanh, GAS ghi nhận tổng doanh thu 8 tháng đầu năm đạt gần 52 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 5,7 nghìn tỷ đồng và Nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 3,2 nghìn tỷ đồng.
Chốt phiên 24/9, thị giá GAS đạt mức 91.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 8% so với thời điểm đầu năm 2021.
Diễn biến cổ phiếu GAS 1 năm gần đây