Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa phát hành báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ tuần đến ngày 14/12.
Nhóm phân tích cho biết, tuần vừa qua đánh dấu sự trở lại của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sau 1 năm không phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), với tổng khối lượng gọi thầu của VDB là 10.000 tỷ đồng chia đều cho 5 kỳ hạn 3, 5, 7,10 và 15 năm. Tỷ lệ đăng ký/chào thầu là 90% và tỷ lệ trúng thầu/chào thầu đạt 64%, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 và 15 năm cao hơn 70 điểm cơ bản so với lãi suất trái phiếu kho bạc Nhà nước (KBNN).
Trong khi đó KBNN chào thầu 8.300 tỷ đồng với 3 kỳ hạn 5,10 và 15 năm, trong đó kỳ hạn 5 năm chỉ có 500 tỷ đồng. Nhu cầu vẫn rất lớn khi tỷ lệ đăng ký gấp đôi lượng chào thầu, đặc biệt là ở kỳ hạn 5 năm (gấp 5,4 lần). Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 10 năm và 15 năm giữ nguyên ở mức 5,1% và 5,3% với tỷ lệ trúng thầu lần lượt là 100% và 85%. Khối lượng trái phiếu 10 năm được phát hành từ đầu năm đến nay đã là 66.776 tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch 2018.
Lãi suất kỳ vọng đối với trái phiếu KBNN thấp nhất với kỳ hạn 5 năm đã giảm 1 điểm cơ bản xuống 4,49%/năm, hiện thấp hơn 81 điểm cơ bản so với lãi suất trúng thầu của trái phiếu cùng kỳ hạn do VDB phát hành nhưng vẫn cao hơn 29 điểm so với lãi suất trúng thầu (4,2%/năm) của phiên đấu thầu gần nhất cách đây 6 tuần.
Trên thị trường thứ cấp, lợi tức TPCP tiếp tục đi ngang và tăng nhẹ 1-2 điểm cơ bản với các kỳ hạn 1-3 năm. Mức lợi tức hiện tại là 4,03%; 4,33%; 4,52%; 5,1% và 5,33% cho các kỳ hạn tương ứng 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm.
Tổng khối lượng giao dịch trong tuần là 35,4 nghìn tỷ đồng, giảm -2% so với tuần trước. Khối ngoại bán ròng 634 tỷ đồng sau 6 tuần mua ròng liên tiếp trước đó. Trong đó, các kỳ hạn bán ròng nhiều là 5-7 năm (347 tỷ đồng), 12 tháng (161 tỷ đồng), 10-15 năm (124 tỷ đồng).