Doanh số bán vòng tay, mặt dây chuyền, hoa tai và dây chuyền bằng vàng chạm khắc rồng, phượng, mẫu đơn và các hoa văn và biểu tượng truyền thống khác trên thị trường Trung Quốc đang tăng rất nhanh, đặc biệt là ở những người trong độ tuổi 20 đến 30, giúp thúc đẩy nhu cầu vàng trong nước phục hồi sau khi sự sụt giảm do đại dịch Covid-19 gây ra.
Sự bùng nổ thương mại điện tử và niềm tự hào dân tộc đang thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu đối với những đồ trang sức bằng vàng có tính chất văn hóa truyền thống, đòi hỏi sự khéo léo tinh xảo và có thể có giá cao hơn 20% hoặc hơn thế nữa so với các trang sức bằng vàng thông thường.
Thị trường phân khúc trang sức vàng kiểu này bắt đầu bùng nổ từ giữa năm 2020, giúp nhu cầu vàng ở Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ kim loại vàng hàng đầu thế giới – tăng gấp hơn 2 lần trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước và đạt mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, thông tin từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết.
Nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ, người tiêu dùng tăng cường chi tiêu đang giúp doanh số bán các hàng hóa trên thị trường Trung Quốc tăng lên.
Việc người tiêu dùng trẻ tuổi quan tâm trở lại đối với những thiết kế cổ điển và thường là những đồ trang sức bằng vàng khối với lớp hoàn thiện mờ đánh dấu sự thay đổi sở thích của họ đối với kim loại quý - trước đây thường bị né tránh như một dấu hiệu của sự khoe của và thể hiện là người của thế hệ cũ.
Xu hướng này cũng thúc đẩy nhu cầu vàng đúng vào thời điểm nhu cầu ở Ấn Độ - nước tiêu thụ lớn thứ hai thế giới, bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 khiến các đám cưới bị trì hoãn (ở Ấn Độ có truyền thống trao của hồi môn vàng cho con cái trong dịp lễ cưới).
Nhu cầu vàng trang sức (hàng quý) ở các thị trường chủ chốt
Các nhà bán lẻ đồ trang sức có tên tuổi ở Trung Quốc như Chow Tai Fook Jewellery Group Ltd – đã niêm yết cổ phiếu trên sàn Honkong - và Luk Fook Holdings International Ltd cho biết các bộ sưu tập vàng truyền thống của họ đang tiêu thụ rất mạnh, đặc biệt được quan tâm bởi những người tiêu dùng trẻ tuổi.
Chow Tai Fook, nhà kim hoàn lớn nhất Trung Quốc theo giá trị thị trường, cho biết bộ sưu tập vàng truyền thống của họ chiếm 40% tổng giá trị doanh số bán lẻ các sản phẩm vàng của công ty trên thị trường Trung Quốc đại lục trong tài khóa vào tháng 3/2021 - tăng mạnh so với 29% của năm trước đó, và tăng nhanh hơn tất cả các loại đồ trang sức khác.
Một phần sức hấp dẫn của đồ trang sức vàng theo kiểu truyền thống, đặc biệt là ở những người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc, phản ánh tinh thần yêu nước sau nhiều vụ việc, trong đó có sự việc ở Tân Cương cách đây chưa lâu.
"Thế hệ trẻ lớn lên khi nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển mạnh hơn, họ tin tưởng hơn vào sự phát triển của Trung Quốc và có thể ít ngưỡng mộ văn hóa phương Tây hơn", Roland Wang, giám đốc điều hành của WGC Trung Quốc cho biết.
"Họ (những người trẻ tuổi) muốn có thêm văn hóa truyền thống Trung Quốc trong cuộc sống hàng ngày của mình, có thể được thể hiện thông qua những gì họ mặc trên người hoặc cách họ trang trí nhà cửa ... Vàng di sản có thể mang lại điều này."
Gao, một giám đốc kinh doanh 29 tuổi đến từ tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, cho biết cô đã chi 30.000 nhân dân tệ (4.620,15 USD) trong năm nay cho một chiếc vòng tay và kẹp tóc vàng, có hoa văn chạm khắc, để sử dụng hàng ngày. Cô dự định một ngày nào đó sẽ truyền chúng cho cô con gái hai tuổi của mình.
"Tôi thực sự thích văn hóa Trung Quốc và thích các sản phẩm mang tính lịch sử Trung Quốc. Tôi thường mặc quần áo (truyền thống) kiểu Hán, đó là lý do tại sao tôi chọn màu vàng di sản, để phù hợp với tổng thể trang phục của mình", Gao nói.
Các nhà kinh doanh kim hoàn cho biết các sản phẩm ngày càng phổ biến với thế hệ Thiên niên kỷ (từ năm 1980 đến đầu những năm 2000) ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố lớn khác và sự bùng nổ thương mại điện tử cho phép người tiêu dùng tiếp cận với nhiều lựa chọn hơn về các sản phẩm trang sức, giúp cho xu hướng này càng được củng cố.
"Đại dịch thực sự khiến tôi chi tiêu nhiều hơn cho đồ trang sức bằng vàng… Có rất nhiều hàng hóa bán trực tuyến và bán rất chạy," cô Gao nói.
Nhu cầu vàng (hàng quý) ở Trung Quốc đại lục
Cơ hội vàng
Để đón đầu xu hướng dài hạn về nhu cầu, các nhà sản xuất đồ trang sức bằng vàng đang đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm vàng truyền thống. Một nhà quản lý tại một nhà sản xuất có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết công ty của ông chủ yếu quảng cáo các mẫu vàng trang sức trang trí kiểu truyền thống sau khi nhận được đơn đặt hàng lớn từ các thương hiệu và khách hàng lớn.
Ông cho biết: "Doanh số bán vàng truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán năm nay cao một cách đáng kinh ngạc, vượt qua cả những món đồ trang sức bằng vàng thông thường".
"Sau khi nhận thấy xu hướng này, công ty chúng tôi đã mở rộng nghiên cứu và phát triển về thiết kế và công nghệ để tạo ra nhiều mẫu mã mới cho các sản phẩm vàng truyền thống. Các nhà sản xuất vàng trang sức khác ở Thâm Quyến cũng đang làm như vậy."
Triển vọng thị trường vàng trang sức Trung Quốc đại lục
Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho biết đồ trang sức bằng vàng truyền thống đã trở thành động lực chính trong sự phục hồi của ngành sau tác động của đại dịch. Và tốc độ tăng trưởng nhanh được dự báo sẽ còn tiếp diễn.
Theo công ty tư vấn nghiên cứu thị trường và công nghiệp Beijing Zhiyan Kexin Consulting, thị trường vàng truyền thống ở Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần từ năm 2017 đến năm 2019 và sẽ đạt gần 100 tỷ nhân dân tệ (15,43 tỷ USD) vào năm 2024. Thị phần vàng trang sức của Trung Quốc được dự báo tăng từ dưới 2% vào năm 2017 lên gần 25% vào năm 2024.
"Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ trang sức vàng đang nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của giá trị văn hóa và đang chú trọng tới mảng kinh doanh này", Beijing Zhiyan Kexin Consulting cho biết trong một báo cáo về thị trường vàng truyền thống đưa ra vào tháng 1 năm nay.
Tham khảo: Refinitiv