Nhu cầu vàng trên thế giới giảm 9% trong quý 3/2017
Nhu cầu vàng trong quý 3/2017 giảm mạnh khi dòng kim loại quý đổ vào các quỹ ETF vàng chậm lại, các thay đổi về thuế và pháp lý tác động tiêu cực đến nhu cầu vàng từ Ấn Độ, dựa trên báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố vào đầu ngày thứ Năm.
Trong quý 3/2017, nhu cầu vàng thế giới lao dốc 9% so với cùng kỳ năm trước, và dao động ở mức 915 metric ton.
Mặc dù các quỹ ETF vẫn thu hút 18.9 metric ton vàng, nhưng quy mô của dòng vàng đổ vào đã giảm tới 87% so với mức 144.3 metric ton hồi quý 3/2016, dữ liệu cho thấy.
Nguồn: WGC |
Nguồn: WGC |
Trong suốt quý 3/2016, giá vàng leo dốc mạnh sau kết quả bất ngờ từ cuộc trưng cầu dân ký về Brexit và mối lo ngại về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, và quỹ ETF vàng cũng nhờ đó mà trở nên hấp dẫn, Juan Carlos Artigas, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Đầu tư tại WGC, cho biết.
Ngược lại, trong quý 3 năm nay, thị trường vàng bị kéo theo nhiều chiều hướng khác nhau: Sự bất ổn địa chính trị là yếu tố ảnh hưởng tích cực đối với vàng, nhưng lãi suất cao hơn và đồng USD mạnh hơn lại tác động tiêu cực đến chúng, đặc biệt là đối với nhà đầu tư ở Mỹ.
Ở Mỹ và trên thế giới, thị trường chứng khoán lạc quan đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, mặc dù họ tỏ ra lo ngại liệu đà tăng trên thị trường chứng khoán có kéo dài hay không khi bất ổn vẫn ở mức cao, ông Artigas cho hay. Được biết, ông từng đề nghị nhà đầu tư phân bổ vàng vào danh mục vì đây là một tài sản hợp lý để đa dạng hóa danh mục và có thanh khoản tốt.
Trong quý 3/2017, nhu cầu vàng để làm trang sức của Ấn Độ sụt 25% so với cùng kỳ năm trước, và xuống 114.9 metric ton. Trong khi đó, nhu cầu vàng để làm trang sức của Trung Quốc lại leo dốc 13% lên 159.3 metric ton trong cùng kỳ. Kết quả là nhu cầu vàng để sản xuất đồ trang sức trên thế giới giảm 3% xuống 479.7 metric ton.
Nguồn: WGC |
Trước đó, nhiều người dân Ấn Độ đã đổ xô mua vàng trong quý 2/2017 vì lo sợ về hệ thống Thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST), báo cáo từ WGC cho thấy. Hoạt động giao thương đồ trang sức cũng gặp rắc rối với hệ thống thuế mới. Trong đó, các nhà bán lẻ có quy mô nhỏ đối mặt với nhiều khó khăn, còn các nhà bán lẻ lớn ứng phó tốt hơn trước sự thay đổi của hệ thống thuế.
Tuy nhiên, ông Artigas cho rằng, trong tương lai, hệ thống thuế GST sẽ là một bước tiến quan trọng đối với nền kinh tế Ấn Độ. Mặc dù hệ thống này có thể tạo ra một vài thách thức trong ngắn hạn cho ngành vàng, nhưng ông tin rằng GST sẽ thúc đẩy kinh tế và làm ngành vàng trở nên minh bạch hơn và tạo nhiều lợi ích cho người mua.
Ông nhận định: “Hệ thống GST sẽ hỗ trợ nhu cầu vàng của Ấn Độ và chúng tôi dự báo nhu cầu vàng nước này sẽ nằm trong khoảng 650-750 metric ton trong năm 2017, sau đó tăng lên 850-950 metric ton vào năm 2020”.
Tại Mỹ, nhu cầu vàng để làm trang sức tăng mạnh trong quý 3/2017. Cụ thể, nhu cầu này tăng 4% lên mức cao nhất trong 7 năm tại 76.8 metric ton, báo cáo từ WGC cho thấy.
Trong khi đó, nhu cầu đầu tư vàng trên toàn cầu giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, và xuống mức 241.2 metric ton.
Nhu cầu vàng xu và vàng thỏi trên toàn cầu – vốn là một phần của tổng nhu cầu đầu tư – leo dốc 17% lên mức 222.3 metric ton. Cụ thể hơn, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu của Ấn Độ lao dốc 23%, nhưng nhu cầu của Trung Quốc lại nhảy vọt 57%.
Nguồn: WGC |
Trong quý 3/2017, khoản dự trữ vàng chính thức trên toàn cầu leo dốc 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan là những quốc gia mua vàng nhiều nhất, chiếm tới 90% tổng khối lượng, dữ liệu từ WGC cho thấy.
Vũ Hạo (Theo MarketWatch)
FiLi