Ngày 28/9, tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương phối hợp với Viện Năng lượng đã tổ chức hội thảo về đề án "Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045" (Quy hoạch điện VIII).
Bộ Công thương nhận định, Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được đưa vào triển khai, thực hiện gần 10 năm. Tình hình thực hiện được đánh giá là có nhiều kết quả tốt. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng 10,5%/năm.
Trong giai đoạn 5 năm (2013-2018), chỉ số tiếp cận điện năng đã cải thiện 129 bậc, đạt vị trí 27/190 quốc gia và nền kinh tế năm 2019, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Hoàng Quốc Vượng chỉ rõ, theo chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn đến đến năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm 80.000 MW so với gần 60.000 MW hiện đang có.
Theo đó, dự kiến các nguồn điện lớn (điện than, khí và LNG) sẽ tăng thêm xấp xỉ 30.000 MW; điện mặt trời và điện gió cũng tăng thêm khoảng 30.000 MW. Song hầu hết các nguồn điện này đều nằm xa trung tâm phụ tải.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng
Hiện nay ngành điện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trong đó bao gồm nhu cầu điện tăng cao, sự phát triển của nguồn điện không cân đối với nhu cầu phụ tải giữa các vùng miền; hệ số đàn hồi điện/GDP còn ở mức cao; tình hình triển khai nhiều dự án nguồn điện lớn, đặc biệt đối với các dự án nhiệt điện than còn chậm,...
Như vậy, việc lập Quy hoạch điện VIII sẽ đề ra các giải pháp toàn diện, từ đó tháo gỡ các nút thắt hiện nay trong phát triển điện lực.
Theo báo cáo, ước tính tốc độ tăng trưởng phụ tải giai đoạn 2021-2030 vẫn ở mức cao, ở 8,6% giai đoạn 2021-2025 và 7,2% trong giai đoạn 2026-2030.
Đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt toàn hệ thống đạt xấp xỉ 138.000 MW, và con số này đến năm 2045 là 302.000 MW. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo phù hợp từng vùng, miền.
Ngoài ra, cơ cấu phát triển nguồn điện có xu hướng giảm nhiệt điện than, tăng nhiệt điện khí. Từ đó đáp ứng các chỉ tiêu mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế.
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt quy hoạch điện VIII cũng là một thách thức rất lớn.
Hiện nay, nhu cầu điện ngày càng tăng với tốc độ cao, nhưng những nguồn năng lượng sơ cấp lại càng khan hiếm. Để có thể cung ứng đủ điện đến năm 2030, dự kiến Việt Nam cần nhập khoảng 1,2 triệu tấn LNG; 35,1 triệu tấn than vào năm 2025, tăng đến 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030.
Bên cạnh đó, nhu cầu vốn đầu tư hàng năm cho chương trình phát triển nguồn và lưới điện lên đến xấp xỉ 13 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021-2030. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế càng ngày càng có những yêu cầu cao liên quan đến môi trường khi xem xét các khoản tín dụng hỗ trợ. Đây được coi là những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện cũng như quy hoạch điện VIII thành công.
Bộ Công thương kết luận, nhiều chính sách đã được đề xuất ra đề giải quyết những vấn đề trên. Cụ thể bao gồm cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án, cơ chế xã hội hóa lưới điện truyền tải,... nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành điện.