Giá cá tra có thể giữ ở mức cao cho tới hết năm 2018
Trong tháng 9, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng so với tháng trước, với mức tăng trung bình khoảng 3.000 đồng. Hiện, giá cá loại I ( 700 - 900 g/con) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp...đạt khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, giá tăng do nguồn cung cá giống khan hiếm cùng với việc trữ lượng cá nguyên liệu đang ở mức khá thấp. Trong khi đó, nhu cầu thu mua cá nguyên liệu sản xuất cho xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tăng, đặc biệt là loại có kích thước nhỏ. Cá tra giống cỡ 30 con/kg hiện ở mức cao 65.000 - 70.000 đồng/kg.
Nhìn lại 9 tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp cho biết sản xuất cá tra phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, đặc biệt là sự khủng hoảng cá giống và những rào cản từ thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, xuất khẩu từ đầu năm đến nay vẫn phát triển tốt, nhờ giá cá giống và cá nguyên liệu duy trì ở mức cao.
Mặt khác, cá tra cũng vừa nhận hai tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, bao gồm việc Bộ Thương mại Mỹ giảm thuế chống bán phá giá sơ bộ trong giai đoạn POR14 so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó. Ngoài ra, Cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) cũng đề xuất công nhận hệ thống kiểm tra cá tra Việt Nam tương đương với Mỹ, nghĩa là cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang nước này.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,6 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay.
Với tình hình trên, giá cá tra sẽ tiếp tục tăng trong tháng 10, Bộ Nông nghiệp dự đoán. Về trung hạn, nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu trong quý IV năm 2018 được dự báo sẽ hạn chế, và giá cá tra xuất khẩu sẽ giữ ở mức tốt và có thể kéo dài đến hết năm 2018.
Ảnh minh họa
Giá tôm sẽ giữ được đà phục hồi nhờ nhu cầu cho mùa lễ cuối năm
Trong tháng 9, giá tôm nguyên liệu, cụ thể là tôm sú ướp đá, có xu hướng giảm do nguồn cung nhiều. Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng lại tăng giá do cung thấp.
Cụ thể, tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 20 - 40 dao động trong khoảng 155.000 - 200.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg so với tháng trước. Trong khi đó, giá tôm thẻ ướp đá tăng 10.000 - 15.000 đồng so với cách đây một tháng cho các cỡ từ 50 đến 100 con/kg. Tôm có kích cỡ lớn hơn đều ghi nhận giá cao, từ 100.000 đồng đến 125.000 đồng/kg.
Mặc dù giá tôm thẻ có xu hướng tăng gần đây nhưng vẫn chỉ ở mức hòa vốn với người nuôi, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp.
Nhìn chung 9 tháng đầu năm, thị trường tôm sú tương đối ổn định, nhưng tôm thẻ chân trắng biến động khá mạnh, với mức giảm khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân là giá trên thị trường thế giới thấp và sản lượng thu hoạch tại các nước sản xuất khá cao.
Gần đây, giá tôm trong nước có xu hướng tăng nhờ giá tôm thế giới giữ xu hướng phục hồi. Mặt khác, tôm Việt vừa được Mỹ giảm thuế chống bán phá giá trong giai đoạn rà soát hành chính lần thứ 12 (POR 12) xuống 4,58%, thấp hơn so với kết quả sơ bộ và kết quả của POR 11.
Số liệu mới nhất từ VASEP cho thấy xuất khẩu tôm Việt đang dần cải thiện khi đà giảm đang chậm lại. Giá trị xuất khẩu mặt hàng này chỉ giảm 10% trong tháng 9 sau khi giảm lần 20% và 14% lần lượt trong hai tháng trước đó. Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu mặt hàng này đạt trên 2,7 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Nông nghiệp dự báo, giá tôm trong nước sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm nay.