Theo báo cáo hợp nhất quý 1/2018, CTCP Công nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa hay còn được biết với tên gọi Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG) đạt doanh thu thuần 349 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù doanh thu chỉ là 349 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của Nhựa Ngọc Nghĩa đã bất ngờ tăng vọt lên 743 tỷ đồng, con số kỷ lục kể từ khi thành lập doanh nghiệp. Trước đó, năm tích cực nhất của Nhựa Ngọc Nghĩa là 2009 cũng chỉ đạt lợi nhuận 88 tỷ đồng.
Lợi nhuận Nhựa Ngọc Nghĩa trong quý 1 vừa qua tăng vọt chủ yếu đến từ khoản doanh thu tài chính đột biến hơn 700 tỷ đồng và theo giải trình của công ty thì đây là thu nhập từ việc chuyển nhượng phần vốn góp tại CTCP Thực phẩm Hồng Phú.
Việc ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng Hồng Phú là điều khá bất ngờ bởi vào đầu tháng 1, Nhựa Ngọc Nghĩa đã ra thông báo chuyển nhượng toàn bộ 8,1 triệu cổ phần tại CTCP Thực phẩm Hồng Phú cho một cá nhân với tổng giá trị vỏn vẹn 810 triệu đồng. Con số này còn cách quá xa so với khoản lợi nhuận mà Nhựa Ngọc Nghĩa ghi nhận được.
Lãi lớn nhờ chưa trích lập dự phòng phải thu?
Thực phẩm Hồng Phú là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nước chấm với thương hiệu Kabin, Thái Long. Những năm qua, hoạt động kinh doanh của Hồng Phú không thực sự hiệu quả khi thua lỗ triền miên.
Từ năm 2010 đến nửa đầu năm 2017, mảng thực phẩm của Nhựa Ngọc Nghĩa (chủ yếu đến từ Hồng Phú) mang về tổng doanh thu hơn 2.100 tỷ đồng nhưng đã lỗ tới gần 1.200 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2017, Ngọc Nghĩa đầu tư 81 tỷ đồng vào Hồng Phú và đã trích lập 100% giá trị cho khoản đầu tư này.
Mảng thực phẩm với đầu tàu là Hồng Phú (nước chấm) liên tục thua lỗ
Theo báo cáo hợp nhất quý 1/2018, tổng tài sản của Nhựa Ngọc Nghĩa đạt 2.872 tỷ đồng, tăng gần 560 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản mục tăng mạnh nhất là phải thu cho vay ngắn hạn lên tới 703,6 tỷ đồng (lãi suất 6,8%/năm), tăng 583 tỷ đồng so với đầu năm và đây cũng chính là khoản cho vay ngắn hạn các công ty con (chủ yếu là Hồng Phú).
Trước khi thoái vốn vào đầu năm 2018, Hồng Phú là công ty con do Nhựa Ngọc Nghĩa cùng với các công ty thành viên nắm 98% cổ phần. Do lỗ lũy kế nhiều năm, âm vốn chủ nên dòng tiền hoạt động của Hồng Phú chủ yếu đến từ vay mượn công ty mẹ Nhựa Ngọc Nghĩa.
Bởi vậy, sau khi thoái vốn thì khoản tiền "nuôi" Hồng Phú trước đây sẽ trở thành khoản phải thu cho vay và đây cũng là nguồn gốc của lợi nhuận đột biến của Nhựa Ngọc Nghĩa trong quý 1 vừa qua. Tuy nhiên, khả năng thu hồi được khoản nợ này là một dấu hỏi lớn và hiện Nhựa Ngọc Nghĩa vẫn chưa trích lập dự phòng cho khoản phải thu này.