HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã CK: PLP) vừa công bố các tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Trong đó, đáng chú ý là kế hoạch chia thưởng 60% cũng như kế hoạch tăng trưởng doanh thu tham vọng.
Việc chia cổ phiếu thưởng được thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần, nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo Báo cáo tài chính Kiểm toán năm 2019. Như vậy, tỷ lệ thực hiện quyền là 10:6 (cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu tương ứng sẽ được hưởng 01 quyền mua, cứ 10 quyền mua được nhận thêm 06 cổ phiếu mới), số lượng phát hành dự kiến là 15 triệu cổ phần.
Bên cạnh việc chia thưởng cổ phiếu, PLP sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với số lượng dự kiến tối đa là 20 triệu cổ phiếu, mức giá 10.000 đồng/cp.
Như vậy dự kiến PLP sẽ nâng vốn điều lệ từ 250 tỷ đông lên 600 tỷ đồng, trong đó số tiền thu được từ phát hành sẽ được công ty đầu tư vào hệ thống các công ty trong chiến lược phát triển dài hạn, bao gồm Công ty Cổ phần Khoáng sản Minh Cầm, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Tân Việt An, đặc biệt là đầu tư vào Công ty Cổ phần Hoàng Gia Pha Lê.
Hoàng Gia Pha Lê có vốn điều lệ 70 tỷ đồng, PLP hiện sở hữu 44% vốn điều lệ. CTCP Hoàng Gia Pha Lê là đơn vị đầu tư cho dự án xây dựng Nhà máy sản xuất ván sàn gạch nhựa SPC tại KCN Nhơn Trạch 2- Đồng Nai với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, nhà máy có công suất 8,7 triệu m2/năm dự kiến khánh thành vào đầu quý 3/2020.
Gạch nhựa hèm khóa SPC (Stone Plastics Composite) là vật liệu xây dựng mới xuất hiện trên thị trường thế giới trong khoảng 2 năm gần đây, so với sàn gỗ, ưu điểm của sàn SPC là chống nước 100%, không độc hại, không giãn nở, co ngót, dễ lắp đặt và có độ bền cao. Sản phẩm có độ phổ ứng dụng rộng như trong nhà ở dân sinh có thể sử dụng ở tất cả các phòng kể cả nhà tắm; cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị công cộng, sân bay, tòa nhà… Hoàng Gia Pha Lê xây dựng kế hoạch tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 10%, còn lại toàn bộ sản phẩm sẽ được xuất khẩu.
Hiện giá mỗi tấn Filler (sản phẩm chủ lực của PLP) xuất bán trên thị trường dao động trong 280 -350 USD, với mức giá SPC trên thế giới hiện nay dao động từ 7,8 – 12 $/m2 doanh thu bán 1 tấn filler khi sử dụng cùng lượng nguyên liệu để sản xuất sàn SPC có thể gấp 5 lần.
Xác định được tiềm năng dồi dào từ thị trường, PLP đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 khá tham vọng, với doanh thu thuần đạt 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 53 tỷ đồng, tăng lần lượt 70% và 8% so với mức thực hiện năm 2019, chưa bao gồm kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hợp nhất từ SPC.
HĐQT Công ty định hướng xây dựng Nhựa Pha Lê vững mạnh, hiệu quả hơn trên cơ sở sử dụng hợp lý các nguồn lực; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, liên kết cao hơn về tài chính, công nghệ và thị trường. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo có bản lĩnh và chuyên nghiệp, đồng thời xây dựng đội ngũ quản lý, kinh doanh và chuyên gia giỏi.
Việt Nam là nước có lợi thế trong sản xuất hạt phụ gia Filler Masterbatch do những thuận lợi về nguồn nguyên liệu có độ trắng sáng cao ở Nghệ An & Yên Bái. Bột siêu mịn CaCO3 là một trong những nguyên liệu chính trong cấu thành hạt nhựa phụ gia Filler Masterbatch, trong khi các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia…hiện bị dừng hoặc đã hết nguồn tài nguyên khai thác, do vậy đây là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hạt phụ gia Filler masterbatch ra các châu lục.
Hiện nay, sản phẩm Filler Masterbatch của PLP sản xuất chủ yếu để phục vụ cho ngành sản xuất bao bì & ép khuôn. Đây là một trong những ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nhựa, với quy mô thị trường năm 2019 vào khoảng 4,7 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng của thị trường được dự báo đạt 4,38%/năm trong giai đoạn 2016-2021. Nhu cầu của hạt phụ gia cho ngành bao bì tăng chủ yếu được thúc đẩy từ tốc độ tăng trưởng trong ngành công nghiệp đóng gói tại Châu Á Thái Bình Dương và Bắc Mỹ, nơi chứng kiến sự phát triển của những ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều sản phẩm đóng gói như ngành thực phẩm, thương mại điện tử, ngành dược và chăm sóc y tế…