Điều này dẫn đến những cơn sốt đất và sự tung hoành của “cò” đất. Phóng viên Báo Lao Động đã đi vào những điểm nóng để tìm hiểu thực trạng những nơi này.
Kỳ 1: Phú Quốc trong cơn “địa chấn giá đất”
Trở lại Phú Quốc (Kiên Giang) lần này, điều khiến tôi đặc biệt lo lắng không chỉ là chuyện giới địa ốc đang ăn theo thông tin Phú Quốc chuẩn bị lên đặc khu để đẩy giá đất tăng chóng mặt, mà còn là những mâu thuẫn của người dân trong cơn “địa chấn” giá đất.
Giá tăng “trổ nóc”
“Chị đi tàu 8h, trưa ra đó, chị em mình đi làm thủ tục nhé. Sao, giờ lên 18 tỉ hả...” - đang oang oang, bỗng bà cô ngồi cạnh tôi trên chuyến tàu cao tốc Rạch Giá - Phú Quốc vội bỏ điện thoại xuống vì bên kia đột ngột tắt máy. Dường như không kìm được sự tức giận tột cùng vì bị “bẻ kèo” vào phút 89, bà quay sang tôi trút bầu tâm sự: “Mới nói giá 6 tỉ đồng/công, giờ nói lại kêu 18 tỉ đồng/công. Làm ăn mà lật lọng như trở bàn tay”. Tàu rời bến, tiếng máy ồn ào không dễ để nghe trọn câu chuyện, nhưng với việc tăng gấp 3 lần trong vòng vài ngày đã hâm nóng chuyện đất đai Phú Quốc ngay từ đất liền - một điều mà lâu nay, thường khi đặt chân lên cảng Bãi Vòng mới cảm nhận được. Điều này cho thấy, đất đai Phú Quốc đang trên đỉnh cao cơn sốt.
Để khảo sát giá thực tế, tôi đánh tiếng nhờ đồng nghiệp ở Phú Quốc tìm cho bác tài xe ôm rành giá thì được tiến cử anh T với lời thiệu: Rành giá đất Phú Quốc như lòng bàn tay. Sau khi nghe tôi ra điều kiện “bao xe cả ngày”, T thong thả vừa lái xe vừa trò chuyện: “Giá đất ở Phú Quốc đang tăng nhưng không phải chỉ là tăng đội nóc, mà là trổ nóc luôn anh à”. T xác nhận, giá đất ở khu vực Suối Mây (xã Dương Tơ) mà tôi được nghe trên tàu là sự thật chứ không phải “cò” “thêu dệt”: “Giờ giá 1 công (1.000m2) đất dạng cây lâu năm ở đây là 18 tỉ đồng và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng thêm”.
Ghé quán cà phê Nón Lá tọa lạc trung tâm thị trấn Dương Đông, tôi được mắt thấy tai nghe kỳ tích tăng trưởng giá đất ở khu vực này. Một cán bộ huyện Phú Quốc đã nghỉ hưu xác nhận, đầu năm 2017, được “cò” chào giá đất ở đây là 1,1 tỉ đồng/công, thậm chí, trước Tết Mậu Tuất, giá 1 công ở đây cũng chỉ ì ạch ở mức 2-2,5 tỉ đồng, nhưng tháng nay, đã lên như diều gặp gió. Tuy nhiên “sửng sốt” nhất chính là sự gia tăng giá của các thửa đất hướng mặt ra biển. Đến sáng 8.4, giá chính thức 1 công đất tại khu vực Cửa Lấp (Dương Tơ) đã lên đến mức 52 tỉ đồng - một cái giá mà ngay cả giới địa ốc chuyên nghiệp cũng chưa bao giờ dám nghĩ. Nhưng “đệ nhất đắt đỏ” chính là đất ở địa bàn thị trấn Dương Đông. Một tay “cò” có tiếng ở Phú Quốc xác nhận, giá đất ở đây rất cao, nhất là đất trên trục đường Trần Hưng Đạo lên đến mức trên 150 tỉ đồng/công. Thậm chí, nếu có diện tích càng lớn, càng dễ ra giá. “Mấy hôm trước, có người nhờ, tôi liên lạc với chủ thửa đất của quán COBIA, mặt tiền đường Trần Hưng Đạo. Rộng chưa đầy 500m2, nhưng dù người mua đã nhiệt tình ra giá 70 tỉ đồng, nhưng chủ vẫn chưa chịu gật”.
Nhiều dịch vụ mua bán đất đai mọc lên như nấm sau mưa ở Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: THANH MA
Ai cũng thành “cò”
Việc nhà đầu tư chấp nhận mua đất với giá trổ nóc như hiện nay, chứng tỏ đất Phú Quốc rất tiềm năng “ăn nên làm ra”. Một cán bộ nghỉ hưu ở Phú Quốc bày tỏ: “Giá đất tăng, đồng tiền dễ dàng kiếm được từ những thương vụ đất đai, với mặt trái của mình đã, đang và sẽ tiếp tục đưa tình người Phú Quốc đi xuống đến mức khó có thể níu giữ được”. Làn sóng người người, nhà nhà ở Phú Quốc làm “cò” đất đã và đang phần nào gây ra sự ì ạch cho guồng máy Nhà nước. Bên cạnh những người “chuyên nghiệp” lập cơ sở có phòng ốc, nhà cửa biển hiệu “chính quy”, hay tận dụng quán càphê, quán ăn để gắn biển mua bán đất, còn có một bộ phận cán bộ, nhân viên tận dụng thời gian để làm “cò” theo lối “mì ăn liền”. Chính điều này đã xuất hiện tình trạng chấp nhận nghỉ việc “nước” để làm “cò”. Thậm chí, có người làm việc không toàn tâm, toàn ý. Một người trong cuộc xác nhận, gần đây, khi phát hiện 1 thành viên hưởng tiền “cò” đất lên đến 500 triệu đồng/vụ, cả đơn vị đã lao xao, rồi nhiều người tìm cách làm nghề tay trái.
Tuy nhiên, đáng lo nhất là chuyện vì tiền sẵn sàng làm tất cả, kể cả chuyện trái đạo lý. Một giáo viên ở Trường PTTH An Thới cho biết, sau khi đăng bán 5 công đất của gia đình với giá 4 tỉ đồng/công, đã phát hiện, nhiều người khác tự lấy thông tin này rao bán với giá 4,5- 5 tỉ đồng/công mà không hề thông báo với anh dù chỉ nửa lời. Trơ trẽn hơn, khi xác định được chính chủ, có “cò” còn liên lạc với người thân để “ép” ông giáo thỏa thuận với khách mà họ giới thiệu đến giá 4,5 tỉ đồng/công để họ được hưởng trọn vẹn 500 triệu đồng/công.
Theo một lãnh đạo công an tại đây, cùng cơn sốt đất là hiện tượng “cò” lộng hành và hiện tượng băng nhóm bảo kê các vụ tranh chấp. Lực lượng Công an Phú Quốc đã xử lý gần 140 đối tượng tham gia các vụ tranh chấp, trong đó đó có 23 đối tượng có tiền án, 66 đối tượng từ nơi khác đến. Công an huyện Phú Quốc cũng tập trung huy động lực lượng công an xã, thị trấn chủ động hòa giải, giải quyết các vụ tranh chấp. Đối với các vụ liên quan đến bao chiếm đất thì xử lý đến nơi đến chốn. Sự cố gắng của chính quyền nơi đây cũng chỉ làm giảm phần nào cơn sốt đất hầm hập ở Phú Quốc và muốn nó hạ nhiệt, phải là sự vào cuộc của các cấp chính quyền.