Tuy nhiên, tình trạng vi phạm có giảm nhưng vẫn còn một số vụ việc phức tạp. Theo thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, qua kiểm tra phát hiện 619 trường hợp xây dựng sai phép, tăng 27% so với cùng kỳ, công trình xây dựng không phép cũng phát hiện 616 trường hợp. Tình hình vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang có chiều hướng gia tăng, nhiều địa phương như: Bình Chánh, Bình Tân. Đồng thời xuất hiện tình trạng 1 đêm xuất hiện 1 căn nhà xây trái phép…
Chỉ tính riêng một quận Thủ Đức, tình hình vi phạm xây dựng không phép 9 tháng đầu năm trên địa bàn quận có 168 trường hợp, tăng 139 trường hợp so với 9 tháng đầu năm 2018. Xây dựng sai phép là 98 trường hợp, tăng 55 trường hợp.
Riêng phường Hiệp Bình Chánh, trong 9 tháng đầu năm 2019 số công trình vi phạm xây dựng không phép là 82 trường hợp, tăng 69 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, công trình vi phạm xây dựng sai phép tại đây tăng 530,77%. Tương tự, công trình xây dựng sai phép có 47 trường hợp, tăng 34 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018, đạt tỷ lệ tăng 261,54%.
Số công trình xây dựng không phép chủ yếu trên đất nông nghiệp, trên đất quy hoạch chưa triển khai hoặc trên đất công. Địa bàn tập trung ở phường Linh Xuân, Linh Trung, Linh Đông, Tam Phú, Bình Chiểu, Trường Thọ, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước. Trong đó, các phường có quy hoạch chưa triển khai nhiều là: Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Bình Chiểu và Linh Trung.
Đề cập đến tình trạng xây dựng không phép, theo UBND quận 9, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở đang gặp vướng mắc. Vì vậy, người dân trên địa bàn rất bức xúc, dẫn đến vi phạm xây dựng.
Do đó, UBND quận cho rằng nếu vướng mắc này không được tháo gỡ, tình trạng xây dựng không phép vẫn tiếp tục diễn ra. UBND quận đã chủ động phối hợp với Sở TN-MT, Sở QH-KT nhưng vẫn không tháo gỡ được các vướng mắc. Vì vậy, lãnh đạo quận 9 kiến nghị UBND TPHCM có các hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc để giảm bức xúc của người dân.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội thành phố quý IV/2019 diễn ra hôm qua (22/10), Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở sao phép, không phép trên địa bàn. Do đó, khi phát hiện các trường hợp vi phạm xây dựng, UBND TPHCM đều chỉ đạo xử lý nghiêm.
Chẳng hạn, liên quan đến vi phạm xây dựng tại huyện Bình Chánh, sau khi có kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, UBND TPHCM đã chỉ đạo xử lý tiếp. TPHCM cũng yêu cầu rà soát lại công việc, bám sát kế hoạch theo chủ đề của năm (đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54).
Ông Phong cũng thông tin thêm việc xử lý 111 căn biệt thự ở quận 7 xây dựng không phép. Theo đó, UBND TPHCM cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, báo cáo kết quả. Có rất nhiều vấn đề cần xem xét nghiêm túc. TPHCM đang giao các đơn vị liên quan phối hợp xử lý.
UBND T HCM tại cuộc họp này đã yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo và đánh giá rõ vụ cán bộ quận Thủ Đức và người thân xây dựng nhiều công trình không phép trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, vụ việc liên quan đến xây dựng không phép tại quận Thủ Đức, vi phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó. "Quan điểm của thành phố là không nhân nhượng, xử lý nghiêm khắc tạo kỷ cương để làm gương cho cán bộ khác. Đối với các dự án vi phạm về trật tự xây dựng khác, trong quá trình thanh tra, kiểm tra mà phát hiện các trường hợp vi phạm thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan phối hợp xử lý nghiêm khắc", ông Phong chỉ đạo.
Lãnh đạo UBND TPHCM cảnh báo lãnh đạo các sở ngành, quận huyện phải xem lại, chấn chỉnh kịp thời chất lượng phục vụ các giao dịch thông thường giữa người dân với chính quyền, "đừng để cảnh mai mốt về hưu, tự đi làm giấy tờ mới thấy dân khổ thế nào".
Trước mắt, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Xây dựng và các nơi để xảy ra xây dựng trái phép nhiều như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9... phải siết chặt công tác cấp phép và xử lý quyết liệt đối với các công trình sai phép, không phép. Từ nay đến cuối năm, TPHCM sẽ tiến hành tổng rà soát hoạt động xây dựng nhà ở tại các địa phương để chấn chỉnh kịp thời.
Song song đó, Sở QHKT sẽ thường xuyên phối hợp rà soát, đánh giá toàn bộ quy hoạch 1/500 của các dự án trên địa bàn thành phố, làm cơ sở điều chỉnh, hủy bỏ hoặc đề xuất hướng xử lý phù hợp để tránh gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu quy hoạch.
Ngoài ra, Sở QHKT phối hợp rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của 600 dự án chậm triển khai mà UBND TP đã thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư. Từ đó, Sở QH-KT công bố công khai người dân biết, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch của các dự án này.
Đặc biệt, Sở QHKT kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách về nhà đất đối trong khu vực quy hoạch, theo hướng tạo sự công bằng, giảm độ vênh giữa người dân sống trong và ngoài các khu vực quy hoạch. Việc này đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.
Trong khi đó, cũng trong ngày hôm qua, tại buổi kiểm tra đột xuất các công trình xây dựng vi phạm tại Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TPHCM gợi ý Sở Xây dựng tham mưu UBND TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề để phân loại các công trình vi phạm và đề ra nguyên tắc xử lý.
Theo đó, khi phân loại sẽ chia theo nhóm, tùy địa bàn, tính chất phân định thuộc nhóm phải cưỡng chế tháo dỡ hoặc được giữ lại thì cho người dân hợp thức hóa. Cùng đó, quận Thủ Đức cần tập trung rà soát quy hoạch và đề xuất hướng xử lý cho phù hợp, trong đó cần tính toán phương án cho phép người dân xây dựng ở những nơi phải giữ lại quy hoạch (mà chưa thực hiện được).
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, sắp tới đây, HĐND quận Thủ Đức cần giám sát các công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn. Không chỉ giám sát tại phường Hiệp Bình Chánh mà cần giám sát tại các phường khác. Các quận khác cũng nên giám sát chặt các công trình xây dựng.