Trong một bài đăng mới đây trên tờ India Times, ông Dhiraj Relli - CEO công ty chứng khoán HDFC Securities, thuộc ngân hàng HDFC (Ấn Độ), đã chia sẻ những bài học dành cho nhà đầu tư chứng khoán mà ông đúc kết ra được sau hơn một năm diễn ra đại dịch Covid-19.
Theo ông Dhiraj Relli, một trong những bài học đầu tiên là tìm kiếm các công ty chất lượng cao để đầu tư và kiên định với chiến lược “mua và giữ”. Trong khủng hoảng, chiến dịch này luôn mang lại hiệu quả và nhà đầu tư nên mua và giữ lâu nhất có thể.
“Trong phần lớn thời gian đại dịch, chiến lược tốt nhất là không làm gì cả, nếu như bạn đã đầu tư vào các công ty như vậy. Một danh mục với các cổ phiếu chất lượng cao mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư rằng cổ phiếu sẽ phục hồi nhanh chóng khi quỹ đạo nền kinh tế thay đổi”, ông Relli cho biết.
Bài học thứ hai có liên quan tới bài học thứ nhất, đó là “không sợ hãi và luôn bình tĩnh”.
“Dù bản chất con người là hay giả định những điều tồi tệ nhất, nhưng hãy lưu ý rằng, biến động thị trường là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng. Miễn là các công ty mà bạn đầu tư chưa bị thiệt hại lớn hoặc mô hình kinh doanh bị ảnh hưởng vĩnh viễn, thì vẫn có thể đầu tư vào đó. Trên thực tế, bạn có thể mua thêm khi giá xuống thấp”, CEO công ty chứng khoán hàng đầu Ấn Độ khuyên.
Ông Dhiraj nhấn mạnh rằng nhà đầu tư cần giữ tâm lý bình tĩnh trước những biến động của thị trường.
“Thị trường có xu hướng trải qua nhiều vòng biến động. Hãy kiểm tra lại khả năng chịu đựng rủi ro của bạn. Nếu bạn vẫn thấy thoải mái với khoản đầu tư của mình trong những lần thị trường lao dốc gần đây, có thể bạn chẳng cần thực hiện thay đổi gì với danh mục của mình. Còn nếu bạn vẫn ‘cắn móng tay’ những lúc như vậy, có lẽ đã đến lúc chỉ giữ lại những khoản đầu tư mà bạn cảm thấy thoải mái bất chấp thị trường lên hay xuống”, vị chuyên gia đầu tư kỳ cựu khuyên.
Ông Dhiraj có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, quản lý tài sản và dịch vụ tài chính ở Ấn Độ. Trước khi làm CEO của HDFC Securities, ông từng làm việc cho ngân hàng ICICI và ngân hàng Centurion - hai nhà băng hàng đầu tại Ấn Độ.
Bài học thứ ba là tham vấn chuyên gia hoặc bạn bè, người thân có chuyên môn. Theo ông Dhiraj, việc này giúp nhà đầu tư đánh giá xem một đợt biến động thị trường có đáng để sợ hãi hay là tiếp tục bình tĩnh.
Tiếp đến là tiếp tục đa dạng hóa danh mục để có sức chống chịu với hầu hết biến động của thị trường. Ông Dhiraj khuyên nhà đầu tư duy trì một danh mục cân bằng và lành mạnh có thể chống chọi và nhanh chóng phục hồi sau những cú sốc ngắn hạn của thị trường.
Bên cạnh việc tham vấn chuyên gia và xây dựng danh mục cân bằng, nhà đầu tư cũng cần thường xuyên xem xét và cập nhật lại danh mục của mình để có động thái phù hợp, phản ánh tác động của những đổi mới và công nghệ lên cuộc sống thường nhật.
Ngoài ra, theo ông Dhiraj, trong giai đoạn khủng hoảng, nhà đầu tư càng phải lưu tâm tới tầm quan trọng của quỹ khẩn cấp.
“Rất nhiều người bị ảnh hưởng về tài chính do mất việc làm, giảm lương, ảnh hưởng của đại dịch tới hoạt động doanh nghiệp, v.v. Quỹ khẩn cấp giúp chi trả các chi phí thường xuyên và những khoản thanh toán trả góp hay cam kết đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng”, CEO của HDFC Securities nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dhiraj, từ cuộc khủng hoảng Covid-19, nhà đầu tư có thể thấy rõ một điều rằng thị trường chứng khoán và nền kinh tế không hẳn có mối quan hệ tuyến tính.
“Nguyên nhân là các chỉ số kinh tế hướng về quá khứ còn thị trường chứng khoán hướng về tương lai. Đó là lý do cổ phiếu thường tăng giá khi mọi thứ trở nên tồi tệ. Đó cũng là lý do cổ phiếu thường chạm đáy rất lâu trước khi dữ liệu kinh tế xuất hiện”, ông Dhiraj giải thích.
Một điều quan trọng nữa mà ông Dhiraj khuyên nhà đầu tư làm trong khủng hoảng là mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ đầy đủ.
“Bảo hiểm y tế đầy đủ sẽ giúp chi trả các hóa đơn y tế lớn khi bạn cần chăm sóc sức khỏe mà không làm tổn hại tới an ninh tài chính trong bất kỳ trường hợp nào”, CEO HDFC Securities cho biết. “Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh cũng khiến chúng ta nhận ra sự mong manh của cuộc sống. Chẳng may người trụ cột của gia đình qua đời có thể ảnh hưởng lớn tới tài chính của người thân. Cách tốt nhất để phòng ngừa trường hợp này là trang bị bảo hiểm nhân thọ”.