Sau một tuần cò đất làm náo loạn vùng quê bình yên tại huyện Hớn Quản (Bình Phước), nay cuộc sống của người dân nơi đây đã ổn định trở lại. Cơn sốt đất ảo đã nguội, bong bóng BĐS đã vỡ.
Bài học qua rất nhiều cơn sốt đất ảo cho thấy nguyên nhân gây sốt thường chỉ xuất phát từ nhóm người môi giới, NĐT đồn thổi thông tin nhằm trục lợi. Vì thế, theo các chuyên gia, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những chiêu trò của giới đầu cơ, để tránh "tiền mất tật mang".
Ông Phan Công Chánh Tổng giám đốc Phú Vinh Group, Chuyên gia tài chính bất động sản đã chỉ ra những bài học từ cơn sốt đất sân bay Téc-Níc, Hớn Quản, Bình Phước.
Thứ nhất, luôn tỉnh táo khi nghe và phân tích thông tin sốt đất. Các cơn sốt đất sẽ xuất hiện càng lúc càng dày và thời gian diễn ra ngày một nhanh chóng.
Thư hai, sự tò mò và lòng tham sẽ khiến các nhà đầu tư cá nhân đưa ra quyết định sai lầm.
Thứ ba, giá tăng ảo 300-400% hoặc cao hơn nữa trong khoản thời gian ngắn chỉ có vài ngày là không tưởng trong đầu tư. Nếu không tỉnh táo nhà đầu tư sẽ bị "làm thịt".
Thứ tư, tốt đất nếu không gắn với giá trị thực của khu vực đó như mật độ dân cư, GDP/đầu người, hạ tầng, điều kiện kinh tế xã hội ... sẽ là những cơn sốt ảo.
Thứ năm, trong sốt đất, nhà đầu tư vào sau cùng sẽ là nhà đầu tư thua lỗ nhiều nhất vì phải mua bất động sản với giá của nhiều năm thậm chí hàng chục năm về sau.
Thứ 6, học và trau dồi liên tục kiến thức là điều kiện tiên quyết để phân biệt sốt đất thực hay ảo và đầu tư thành công.
Đánh giá về tình hình cơn sốt Hớn Quản, chia sẻ trên báo chí, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, thực ra khu vực này chỉ có tiềm năng trong thời gian ngắn, một số nhóm người tập trung mua đi bán lại với nhau làm cho giá cả tăng lên liên tục, mục đích lôi kéo các giới đầu tư BĐS bị cuốn theo.
Tuy nhiên, với những nhà đầu tư BĐS bình thường, không cần phải là giới chuyên nghiệp cũng sẽ biết được đây là một cái cơn sốt ảo, có nghĩa là lợi dụng thông tin sân bay để đẩy giá đất lên, mua đi bán lại với nhau là chủ yếu. Những người bị dính trong trò chơi "sốt đất ảo" này thì thường là những nhà đầu tư mới, hoặc là chưa có kinh nghiệm lắm vào BĐS nên dễ dàng trở thành con mồi trong việc sốt ảo đó.
Ghi nhận thực tế cho thấy, chỉ trong vòng chưa đến 24 giờ đồng hồ, một mảnh đất có thể đổi chủ 3 đến 4 lần, giá chênh lệch vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, đó là điều không tưởng trong đầu tư BĐS.
:"Tôi nghĩ các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng nếu giá nó tăng đột biến, một ngày mà nó tăng đến 5-10% thì hết sức lưu ý việc này, không nên nhảy vào những cái cơn sốt ảo như này tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra. Như sân bay Long Thành cũng phải mất 5 năm để được đưa vào xây dựng, thì cái đề án sân bay Téc-Nóc này còn chưa được phê duyệt, nếu như nhà đầu tư có thể đợi 5-10 năm thì hãy xuống tiền", ông Quang dành lời khuyên.
Chưa kể, với BĐS vùng đất Bình Phước không thể tăng ngày 1 ngày 2 được, bây giờ mua có thể tháng sau sẽ lỗ nên các nhà đầu tư nên cẩn trọng để tránh trở thành con mồi ngon cho giới cò đất thổi giá.
Câu chuyện tại Bình Phước hiện nay giống như kịch bản đã diễn ra ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cách đây một năm, hay xa hơn vào năm 2019 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Ở thời điểm đó, giá đất ở khu vực xã Bình Ba đã thay đổi theo từng giờ và gấp 3 lần chỉ sau một tuần, đơn cử như một mét ngang mặt tiền Quốc lộ 56 trước đó 250 triệu đồng đã bất ngờ tăng lên 400-450 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi giới chuyên gia và chính quyền địa phương cùng lên tiếng cảnh báo về hiện tượng sốt đất bất thường này, đặc biệt là lượng hồ sơ giao dịch tại Văn phòng đăng ký đất đai địa phương thực tế giảm sút chứ không tăng, cơn sốt đã nhanh chóng nguội lạnh chỉ sau hai tuần.
Liên quan đến nguy cơ sốt đất ảo ăn theo quy hoạch sân bay Hớn Quản, UBND huyện Hớn Quản này đã ra văn bản, đang có việc nhiều đối tượng đầu cơ, môi giới đất đai trong và ngoài tỉnh Bình Phước tụ tập đông người, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá thực tế dẫn đến nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, một số đối tượng lôi kéo, xúi giục người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số bán đất, dẫn đến không còn đất sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ đói, nghèo.